Trước kia bạo hành y tế xảy ra là do bức xúc với các tệ nạn của ngành y nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các vụ bạo hành do bức xúc không nhiều. Nnhwng dù lý do nào, khi y, bác sĩ bị đe dọa, hành hung thì ai sẽ là người chịu thiệt nhất?
Theo TS.BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON (TP.HCM), việc bạo hành nhân viên y tế ở nước nào cũng có. Tuy nhiên, so với các nước phát triển như Mỹ hay Ấn Độ, số lượng vụ bạo hành y tế không đến mức trầm trọng. Tại Việt Nam, số lượng vụ hành hung, đe dọa nhân viên rất cao nhưng chưa thống kê được hết. Số vụ mà chúng ta nắm được chủ yếu do truyền thông đưa lên.
Không những thế, các vụ bạo hành y tế càng ngày càng nặng nề, manh động, ít có lý do liên quan đến tiêu cực trong ngành y.
"Tôi có trao đổi với một số bác sĩ ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore thì họ rất ngạc nhiên. Ở đó cũng có bạo hành nhưng chủ yếu chỉ là bằng lời nói nặng nề và xúc phạm. Một số trường hợp khác rơi vào các nhân viên điều dưỡng, nhưng việc bạo hành, đánh đập bác sĩ thì rất hiếm. Một số trường hợp bị xử phạt rất nặng nề. Do đó về sau, tình trạng ấy rất rất hiếm”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, khi bạo hành y tế xảy ra thì thiệt thòi nhất vẫn là người dân mà trực tiếp là bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) phân tích: Một bác sĩ phải cấp cứu, điều trị rất nhiều bệnh nhân. Chỉ cần 1 người bạo hành thì tất cả người bệnh khác đều sẽ bị gián đoạn quá trình cấp cứu, điều trị và có thể ảnh hưởng đến sinh mạng và sức khỏe. Gần đây, một lái xe đã chặn xe cứu thương và đánh tài xế xe cứu thương khiến bệnh nhân trên xe cứu thương được đưa đến BV muộn và tử vong. Nguyên nhân có thể do trên đường xe cứu thương bị chặn không cho vượt dẫn đến không được điều trị kịp thời.
Trong một nghiên cứu tại Anh gần đây cho thấy, khi các bác sĩ bị bạo hành thì 25% người bị bạo hành stress trong 2 tuần, 21% bị stress trong 3 tuần, 17% bị stress kéo dài hơn. Nếu các bác sĩ này vẫn phải làm việc thì giai đoạn này chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh... sẽ không hiệu quả như bình thường. Và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong thời gian này sẽ phải chịu hậu quả của việc bác sĩ bị bạo hành trước đó.
Ngoài ra, không khí thù địch và tâm lý e sợ bạo hành lan truyền sẽ khiến các thầy thuốc chú tâm trong việc bảo vệ mình chứ không thể toàn tâm toàn ý cho việc cứu chữa người bệnh. Dẫn đến hiệu quả khám, chữa bệnh chung sẽ bị suy giảm.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, để ngăn chặn bạo hành y tế, hiện nay tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã thiết kế nơi tiếp xúc để có yếu tố làm dịu nguy cơ xung đột. Đồng thời, BV tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, nhân viên y tế. BV cũng kết hợp với cơ an công an và công ty bảo vệ, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả còn bấp bênh, vì xung đột xảy đến hết sức bất ngờ.
“Hầu hết trường hợp bạo hành bác sĩ là những người vừa mới xuất hiện tại BV chứ ko phải bệnh nhân nằm điều trị trong thời gian dài hơn”, bác sĩ Trung Cấp chia sẻ.