Bạo lực gia đình: Có 1 'rừng luật' nhưng vẫn xử bằng 'luật rừng'

21/10/2016 - 20:00
Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời năm 2007 và được xem như là “chiếc gậy như ý” để đẩy lùi BLGĐ. Thế nhưng theo GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, thẳng thắn: “Luật Phòng chống BLGĐ chỉ hiệu quả ở những năm đầu”.

Hãy cùng PNVN lật lại tâm sự của những người trong cuộc, những lý giải của chuyên gia thông qua Chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" để biết vì sao nạn nhân bị đơn độc trong hành trình gian nan bảo vệ mình chính ở nơi hy vọng được bình yên nhất! 

GS Lê Thị Quý được xem là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống BLGĐ ở nhiều địa phương. GS Quý cũng là nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học Giới, Lý thuyết Nữ quyền, Gia đình học, Xã hội học gia đình... Một người cả sự nghiệp gắn bó với 2 tiếng “gia đình” và “phụ nữ” như GS Lê Thị Quý đã không khỏi buồn lòng trước thực trạng BLGĐ vẫn diễn ra thường xuyên, ở mức độ ngày càng tàn bạo. “Thực tế từ khi có Luật Phòng chống BLGĐ, tình trạng BLGĐ đã giảm nhiều so với trước. Ngày Luật mới ra đời, tôi đã đi khảo sát ở nhiều địa phương và thấy hiệu quả rõ rệt. Thế nhưng, những năm gần đây, Luật ngày càng xa rời cuộc sống".

 "BLGĐ đang “trỗi dậy” và Luật Phòng chống BLGĐ rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột” - GS Quý nhìn nhận!

Vì sao chúng ta đã có Luật và các cơ quan chức năng cũng vào cuộc quyết liệt nhưng BLGĐ vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tàn bạo và nghiêm trọng?

Theo GS Quý, Luật có 2 nhiệm vụ là răn đe và giáo dục nhưng cả 2 nhiệm vụ trên hiện đều chưa tốt. Vì chưa tốt nên BLGĐ vẫn có “đất sống”.

Ở Việt Nam, việc vận dụng và đưa luật vào cuộc sống nhiều khi còn cảm tính. Ví dụ, 1 người đàn ông uống rượu về sau đó đánh đập vợ. Khi bị đưa ra xem xét lại nói rằng, vì say rượu nên đã không làm chủ được mình dẫn đến hành vi bạo hành. “Tôi rất bức xúc với những lập luận kiểu đó. Như vậy là cổ vũ cho bạo lực, cổ vũ cho cái sai. Người chồng đánh vợ ấy nếu gặp cán bộ hoặc công an ngoài đường, anh ta sẽ cúi rạp người để chào. Thế nhưng, khi về nhà lập tức “đè” vợ con ra đánh. Như vậy anh ta có say đâu, chẳng qua vì anh ta gia trưởng và độc ác, coi thứ sở hữu của mình, thấp kém hơn mình và mình có quyền đánh đập”, GS Quý lập luận.

Ngoài ra, GS Quý cũng thẳng thắn rằng: “Ở nhiều địa phương hiện nay, cán bộ không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc phòng chống BLGĐ. Tâm lý ngại va chạm, xem BLGĐ là “chuyện của người ta” vẫn còn rất phổ biến. Suy nghĩ đó là sai! BLGĐ không phải là vấn đề của từng gia đình mà là vấn đề lớn của xã hội. Nhiều vụ việc, cán bộ biết, hàng xóm biết nhưng cán bộ không hề vào cuộc với lý do nạn nhân không làm đơn, không tố cáo. Tôi cho rằng, cần có một điều khoản nào đó quy định rõ trách nhiệm của người cán bộ. Nếu không làm đúng, làm tròn trách nhiệm thì phải xử họ ra sao. Ai sinh ra cũng có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng quyền đó bị xâm hại, trong khi chính quyền địa phương không bảo vệ nổi thì cán bộ phải bị xử lý”.

Chị Dương Thị Hiền (ở huyện Lục Nam, Bắc Giang) bị chồng chém đứt gân 2 chân, đến nay vẫn chưa đi lại được.

Tuy nhiên, cũng theo GS Quý, thực tế đáng báo động là nhiều cán bộ thực thi pháp luật về phòng chống BLGĐ nhưng cũng hiểu luật rất “lơ mơ”. Do không hiểu nên không thấy được tầm quan trọng của luật và dẫn đến việc thực thi không đến nơi đến chốn. Theo đó, cần có những cán bộ chuyên trách, chuyên về phòng chống BLGĐ, có cơ chế rõ ràng, không thể là cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay được. Có như vậy, việc phòng chống BLGĐ mới hiệu quả. “Khi một Bộ luật, Thông tư, Nghị định... ra đời, chúng ta cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến.

Thế nhưng, phổ biến thì không đến nơi đến chốn. Luật phải đi vào người dân nhưng nhiều khi chỉ cán bộ được phổ biến, mà cán bộ cũng chỉ được phổ biến qua loa, trong khi người dân có biết gì đâu? Cách làm như thế thì có bao nhiêu luật cũng không hiệu quả. Có một rừng luật nhưng nhiều khi vẫn xử bằng luật rừng là điều dễ hiểu”, GS Quý khẳng định!

“Hiện những can thiệp hình sự của chính quyền, công an, tư pháp vẫn còn trong tình trạng “mù giới”, đã trở thành rào cản trong việc hỗ trợ nạn nhân. Trong trường đào tạo ngành cảnh sát, nên có khoa, môn học riêng về phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới. Với lực lượng thi hành các can thiệp hình sự, trong đó có công an viên cơ sở (đặc biệt là cấp xã), cần được đào tạo chất lượng hơn (hiện họ mới chỉ được đào tạo bán chính quy, mới qua các lớp huấn luyện 3 tháng, 6 tháng. Họ còn nhiều hạn chế về trình độ, kỹ năng chung về luật, về xử lý các vụ việc).

(TS Lê Hữu Anh,
Phó trưởng Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân)


Bài 5: Nạn nhân bạo lực gia đình luôn đơn độc

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm