Hãy cùng PNVN lật lại tâm sự của những người trong cuộc thông qua Chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" để biết họ đơn độc như thế nào trong hành trình gian nan bảo vệ mình chính, bảo vệ người thân của mình ở nơi hy vọng được bình yên nhất!
Trước đó, PNVN và đã từng đưa tin về trường hợp ông Nguyễn Văn Nam (ngụ tại phường 13, Q. Gò Vấp, TPHCM) khi đã chém chết người con rể. Song, đằng sau hành vi “máu lạnh” ấy lại là cả một câu chuyện dài xuất phát từ bạo lực trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Phượng (vợ ông Nam) đã từng bật khóc tâm sự: “Điều đau đớn nhất của cha mẹ là thấy con gái lấy phải người chồng vũ phu, suốt ngày bị đánh đập. Thậm chí, nó đã nhiều lần mạt sát, dọa giết cả gia đình tôi”.
Sau ngày xảy ra vụ “thảm án” ấy, phóng viên chúng tôi tìm đến gặp bà Phượng, khi bà đang chạy đôn chạy đáo lo tiền ma chay cho đứa con rể. 60 tuổi, vết chân chim trên đôi mắt đượm buồn của bà ngày thêm dài. Một bi kịch ập tới quá bất ngờ với bà. Nó đớn đau, oan nghiệt, song như là hệ quả tất yếu!
Năm 2009, D., con gái của ông bà, kết hôn với anh Tôn Thanh Việt, hiện có đứa con trai đang học lớp 1. Hai vợ chồng đều là công nhân, sống trong căn nhà của vợ chồng bà Phượng. Cuộc sống khá đầm ấm và hạnh phúc.
Đến năm 2014, vợ chồng Việt quyết định ra ở riêng. Cũng từ đó, Việt bỗng đổi tính, thường xuyên đánh đập vợ vô cớ. Nhiều lần D. bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà nhưng cũng chỉ biết câm nín chịu đựng, đợi Việt nguôi cơn giận mới tìm cách về nhà.
Nỗi đau xót, thương con gái của bà Phượng |
Bà Phượng tâm sự, ban đầu, con gái bà giấu nhẹm chuyện bị chồng bạo hành, đánh đập. Mỗi lần D. về thăm nhà là bà thấy mặt mũi con gái bầm tím. Gặng hỏi mãi, D. mới thú nhận chuyện bị chồng đánh. Khi hay chuyện, vợ chồng bà Phượng đã khuyên nhủ con gái cố gắng hàn gắn để sống hạnh phúc. Song, những cái tát nảy lửa, những trận đòn roi vô cớ của người chồng vũ phu nào có dừng lại.
Đường cùng, đến khoảng tháng 3/2016, chị D. đã ôm con bỏ về nhà cha mẹ đẻ xin tá túc. Khi đó, ông Nam hiểu rằng, hạnh phúc của con gái chắc chắn đã đổ vỡ. Tuy vậy, Việt vẫn không chịu buông tha cho vợ. Mỗi lần say xỉn, Việt lại quay về nhà cha mẹ vợ và la hét, chửi bới, thậm chí có lần còn đe dọa giết cả gia đình.
Bà Phượng bộc bạch: “Thằng Việt cứ liên tục quấy phá nhưng gia đình tôi vẫn không dám phản kháng. Nhiều lần, tôi còn quỳ lạy, xin nó hãy tha cho vợ. Thằng con rể được nước, cứ làm tới”. Còn ông Nam thì luôn phải xuống nước: “Nhịn được thì cứ nhịn. Mình còn có đứa cháu ngoại nữa, phải sống vì con, vì cháu”.
Dòng nước mắt đã cạn khô cứ chực chờ rơi xuống gò má người phụ nữ ấy. Bà nghẹn ngào: “Con gái tôi khổ quá. Lấy chồng cứ tưởng được hạnh phúc, nào ngờ gặp phải bất hạnh. Suốt ngày nó bị chồng đánh đập mà không biết kêu ai, chính quyền cũng chẳng ai can thiệp. Bởi thế, trước khi giết thằng rể rồi ra đầu thú, chồng tôi chỉ nói một câu duy nhất: “Tôi giết chết thằng Việt để “giải thoát” cho con gái. Thôi thì 1 mạng đổi 1 mạng vậy”.
Thật khó bênh vực, biện minh cho hành động giết người của ông Nam. Song, đáng lẽ hành vi đó hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bởi những nỗi bức xúc, giày vò mà ông và gia đình phải chịu đựng không chỉ diễn ra trong chốc lát, tức thời mà ít nhất là trong gần 2 tháng. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những kết cục đau lòng như thế? Và liệu có thể ngăn cản những bi kịch này hay không?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện công an phường 13, Q.Gò Vấp - địa bàn xảy ra vụ việc - chỉ thông tin ngắn gọn: “Thời gian trước khi xảy ra vụ án, gia đình ông Nam không trình báo gì cả nên chúng tôi cũng không thể nắm bắt và xử lý được”.
Họ có thật sự “không biết” khi mà chính xác nơi xảy ra án mạng chỉ cách công an phường chưa tới 300 mét? Như vậy, có thể thấy rằng, cơ quan chính quyền “ở” rất gần dân, song lại không nắm được tình hình, không hề có biện pháp hỗ trợ kịp thời, có mặt để can thiệp, tạm giữ, thậm chí xử lý hình sự kẻ đã đánh đập, đe dọa giết cả nhà vợ, mà phải đợi người dân làm đơn trình báo, thưa gửi rồi mới chịu xử lý.
Trụ sở công an Phường 13, Q. Gò Vấp, TPHCM - nơi ông Nam chở xác con rể đến đầu thú - chỉ cách nhà bà Phượng khoảng 300 mét. Mâu thuẫn xảy ra nhiều lần, nhưng chính quyền "không biết". |
Bà Trần Thị Ngọc Lan (tổ trưởng Tổ dân phố 14) cho biết: “Quả thật, thằng Việt rất quá đáng. Mỗi khi say xỉn đều tới nhà vợ để “quậy”. Chính quyền chắc chắn biết chuyện này. Có lần, nó còn hất đổ cả ly cà phê mà ông Nam đang uống trên bàn, tỏ vẻ khiêu khích. Ông Nam đã nhẫn nhịn rất nhiều lần. Bản thân tôi và hàng xóm cũng đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng nói thật cũng “ngán” mấy thằng Chí Phèo say xỉn như vậy”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN phường 13, Q.Gò Vấp, thông tin: “Tôi chuyển về công tác Hội phụ nữ phường từ năm 2013. Gia đình ông Nam - bà Phượng thuộc hộ nghèo tại địa phương này. Tôi cũng nhiều lần ghé vào gia đình họ. Lúc đó, thằng Việt còn ở rể, vợ chồng sống rất hòa thuận, hạnh phúc. Được một thời gian thì vợ chồng nó ra ở riêng, cô con gái không sinh hoạt Hội nên tôi không nắm được thêm tình hình gì. Lâu lâu, cũng nghe nói thằng rể về nhà cha mẹ vợ “quậy”. Tưởng mâu thuẫn gia đình bình thường, ai ngờ sự việc xảy ra nghiêm trọng đến vậy”.
Bà Thu cho biết thêm, trong trường hợp phát hiện xảy ra bạo lực gia đình thì nhiệm vụ của Hội phụ nữ chủ yếu chỉ là hòa giải và tuyên truyền “bạo lực gia đình là phạm pháp”. Như vậy, chẳng mấy trường hợp có thể đứng ra giúp nạn nhân của nạn bạo hành tố cáo người có hành vi bạo lực gia đình.
Theo những lý do rất “hợp lý” của các đoàn thể, cơ quan chính quyền kể trên thì tất cả những gì mà nạn nhân bị bạo hành gia đình nhận được chỉ là sự im lặng, không ai can thiệp một cách triệt để, sâu sát, dẫn đến “giọt nước tràn ly” xảy ra vào buổi chiều ngày 14/5/2016 - khi mà ông Nam rất ức chế và đã trút những nhát dao oan nghiệt vào con rể để “giải thoát” cho con gái. “Thôi thì 1 mạng đổi 1 mạng”...
Tôi tới gặp gia đình ông Nam với tâm trạng đầy chua xót. Người vợ của “kẻ sát nhân” ấy đã chẳng còn giọt nước mắt nào để khóc, để đau, để oán trách nữa rồi. Chồng mang trọng tội, với đủ thứ bệnh trong người, tuổi đã cao, liệu rằng bà còn có cơ hội gặp lại? Gia đình người con rể cũng đau đớn khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, đẫm máu ấy. Đứa con trai bé nhỏ của vợ chồng chị D. lớn lên rồi sẽ ra sao khi biết sự thật phũ phàng này? Và rồi nỗi giằng xé đến tận tâm can người vợ trẻ khi cha giết chồng biết chừng nào mới nguôi ngoai...
Tất cả những bi kịch đau lòng ấy có lẽ đã không xảy ra, nếu như chúng ta có cách hành xử khác!
Ông Nam đang bị tạm giữ chờ ngày ra tòa xét xử |
PV: Sau khi vụ án này xảy ra, Hội LHPN phường và các đoàn thể đã vào cuộc thế nào? Bà Phạm Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN phường 13, Q.Gò Vấp: Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân và hiện nay, Tổ trợ giúp Pháp lý của phường đang hoàn thiện hồ sơ để giúp ông Nam có thể được giảm án nhẹ nhất. PV: Còn việc hỗ trợ, quan tâm đến gia đình thế nào? Bà Phạm Thị Tuyết Thu: Bà Phượng cũng liên hệ với Hội LHPN phường để xin vay tiền lo đám tang cho con rể, bồi thường gia đình nạn nhân. Song, Hội không thể cho vay được bởi hội viên vay phải có mục đích hợp lý như: buôn bán nhỏ, học nghề... PV: Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình ở địa phương ra sao? Hội LHPN phường đã thật sự “nhập cuộc” chưa? Bà Phạm Thị Tuyết Thu: Địa bàn đa phần là gia đình có đạo nên rất ít xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Nếu có thì Cha xứ sẽ biết và khuyên ngăn trước. Hội LHPN phường sẽ sâu sát hơn trong việc sớm phát hiện các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình. Hiện, tôi đang trực tiếp hòa giải một cặp vợ chồng có “dấu hiệu” lục đục và sẽ theo dõi sát để báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương, tránh xảy ra điều đáng tiếc tương tự. |
Kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình trên thế giới - Theo khảo sát của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, sự phổ biến của nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) đã lan rộng ra nhiều quốc gia. Trên khắp thế giới, tính trung bình có 3 phụ nữ bị giết mỗi ngày vì BLGĐ. Hơn 40% nạn nhân là phụ nữ bị giết bởi chồng hoặc bạn trai của họ. Phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 24 có nguy cơ lớn nhất là nạn nhân của bạo hành. - Trước tình trạng BLGĐ đang vi phạm nghiêm trọng tới quyền sống của người phụ nữ và ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ em, các quốc gia đã nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra những kinh nghiệm phòng chống BLGĐ. - Tại Mỹ và châu Âu: Ủy ban về BLGĐ tìm cách giải quyết BLGĐ từ góc độ pháp lý, nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho các nạn nhân của BLGĐ bằng cách lôi kéo sự tham gia, quan tâm, hỗ trợ của các luật sư. Tăng cường hướng dẫn, đào tạo các khóa học về luật phòng chống BLGĐ cho các cặp vợ chồng mới kết hôn. Lập các đường dây nóng dành cho nạn nhân bị bạo hành. - Tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Thành lập các tổ chức chuyên tập trung vào BLGĐ, phòng chống bằng cách nâng cao nhận thức, tăng cường chiến lược cộng đồng để phòng ngừa và can thiệp nhanh. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, cải thiện các chính sách hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, truy tố, kết án và giám sát các thủ phạm của BLGĐ. - Tại Ấn Độ: Đạo luật BLGĐ năm 2005 đã xác định về mặt pháp lý chống lại BLGĐ và các hướng dẫn truy tố những trường hợp được báo cáo cho cảnh sát. - Tại châu Phi: Tổ chức các khóa đào tạo chống BLGĐ ở quy mô địa phương và quốc gia, tìm cách trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tự chủ về kinh tế, đào tạo cộng đồng, giáo dục về các mối quan hệ lành mạnh. Lập đường dây nóng và tổ chức hỗ trợ nóng nhằm can thiệp và cứu trợ ngay các nạn nhân. Kim Tuyến (Theo Greatist) |
Bài 4: Có 1 'rừng luật' nhưng vẫn xử bằng 'luật rừng'