Có những sáng thức giấc – chỉ nghĩ về cái chết!
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Hồng Hạnh (34 tuổi) ở Chương Mỹ, Hà Nội vào lúc chị đi xe máy gần 40 cây số từ nhà lên trung tâm Thành phố để tham dự buổi sinh hoạt dành cho thành viên của nhóm Tự lực – nhóm dành cho những phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Chị Hạnh kể rằng chị đã ly hôn chồng được hơn 2 năm. Chị đã có 3 mặt con nhưng giờ chỉ sống một mình trong một căn nhà nhỏ cách xa làng cũ.
“Cuộc sống đơn thân rất buồn, rất nhớ con, nhưng mình vẫn chấp nhận, chỉ là để tự cứu lấy tinh thần của chính mình” – chị Hạnh chia sẻ.
Lần đầu tiên chị Hạnh bị chồng đánh là hơn 10 năm trước – tức khoảng cuối năm 2006. Trước đó, vợ chồng chị có 2 năm chung sống tương đối hoà thuận. Tháng 11/2006, họ xây lại nhà. Từ khi khởi công làm móng cũng là lúc chồng chị thay đổi, hay cáu bẳn và thường xuyên ngồi uống rượu với cánh thợ rồi say, lè nhè. Một lần, chị Hạnh mệt, nằm nghỉ một lúc. Chồng chị say, nhìn thấy, mắng vợ là lười biếng, ăn hại. Rồi chưa kịp để vợ thanh minh, người chồng bất thình lình kéo vợ dậy, xềnh xệch lôi ra rồi lấy xẻng đánh vợ liên tiếp… ngay trước mặt những người thợ xây.
Cả tuần sau lần đầu tiên bị chồng đánh, tâm trạng chị Hạnh vô cùng tồi tệ. Chị thực sự bị sốc, choáng váng, sợ hãi và nhục nhã! Chị từng cố gắng tìm hiểu hay mình làm sai việc gì đó? Có thể do anh ấy bị quá nhiều áp lực về tiền bạc khi xây nhà? Bị mệt mỏi về cơ thể? Có thể anh ấy bị tác động bởi men rượu?... Nhưng chị đã lầm. Sau trận đánh như “mở màn” đó, người chồng bắt đầu bộc lộ bản chất vũ phu, thường xuyên dùng vũ lực với vợ.
Tuy nhà đã xây xong rồi nhưng cứ trung bình 2-3 ngày/tuần chị Hạnh lại bị chồng đánh, có lần đánh ngay giữa bữa ăn mà chẳng cần lý do gì. Hoặc khi đi ngủ, chị rất mệt không thể đáp ứng nhu cầu của anh ta thì cũng bị anh ta đánh. (Ảnh minh họa). |
Cả hai lần mang thai của chị Hạnh đều là ngoài ý muốn vì nó bắt nguồn từ những đêm chị bị chồng cưỡng bức về tình dục.
Mà có điều lạ là, cứ đánh vợ xong, anh ta lại trở lại xử sự bình thường, có khi cũng xin lỗi vợ rồi sau đó lại tái diễn. “Sau khi bị chồng hành hạ một thời gian dài, có những đêm tôi không còn cảm thấy nỗi đau về thể xác nữa. Tôi cứ nằm trên giường khóc và suy nghĩ nhiều đến mức không thể nào ngủ được. Tôi phải dùng đến các loại thuốc ngủ, thuốc an thần. Mỗi tháng có khi dùng hết vài vỉ. Tôi cứ yếu dần đi. Có những sáng, tôi chỉ nghĩ về cái chết, không còn muốn ngồi dậy để tiếp tục cuộc sống nữa”…
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên - khi chia sẻ thông tin về bạo lực gia đình, đã cho biết: “Trong một khảo sát của chúng tôi với 387 phụ nữ về tình trạng bạo lực gia đình tại Hà Nam, Hoà Bình cho thấy có 61,4% cho biết họ phải chịu ít nhất một dạng bạo lực. Đa số họ đều ngủ kém, thường xuyên bị đau đầu, dễ dàng thấy mệt mỏi, luôn sợ hãi, lo lắng. Có 17% phụ nữ có ý định tự tử trong đó có 19% đã từng có hành vi tự tử”… |
20 năm rớt nước mắt vì chồng gia trưởng
Cùng chia sẻ về tình trạng bạo hành của mình, chị Đỗ Thị Thanh (47 tuổi) ở Sóc Sơn, Hà Nội – cũng là thành viên của nhóm phụ nữ Tự lực – cho biết: “Hơn 20 năm lấy chồng là hơn 20 năm không lúc nào tôi ngớt nước mắt”.
Ngày còn con gái, chị mũm mĩm, xinh xắn, năng động, hay nói cười bao nhiêu thì giờ đây chị gầy gò, đen đúa, ít lời bấy nhiêu.
Chồng chị là người gia trưởng, luôn áp đặt mọi việc theo ý mình. Với anh ta, chồng có quyền dạy bảo, đánh đập vợ. Hầu hết mọi việc cấy hái, ruộng vườn, chăn nuôi, làm thuê cuốc mướn… chị đều phải đảm đương mà việc nội trợ, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc chồng cũng phải chu toàn. Chồng chị trước có làm thợ xây nhưng sau đó lấy lý do sức khoẻ không tốt nên bỏ nghề. Ngày ngày, anh ta chỉ làm mấy việc lặt vặt, đi chơi cờ và về nhà thì chỉ tay năm ngón. Vợ làm gì cũng bị chồng soi mói, nhắc nhở, chửi mắng hoặc cho ăn tát. Đứa con đầu lòng mới 16 tháng tuổi đã được bố dạy cho cách tát vào mặt mẹ.
Từ ngày lấy chồng, chị Thanh không được tham gia quyết định bất kỳ việc lớn, nhỏ trong nhà. (Ảnh minh họa) |
Chị cũng hiếm khi được đi dự hội hè tập thể, không được tự ý may chiếc áo mới cho mình. Nhà bố mẹ đẻ cách đó có 4 cây số mà có khi nửa năm chị chưa được chồng cho về. Làm việc gì chị cũng nơm nớp lo sợ không vừa ý chồng… Mỗi lần bị chồng đánh, mắng lại là lần chị Thanh chỉ biết khóc và sau đó thì thấy đau đầu kinh khủng. Cách đây tròn 3 năm, khi chị ngấm ngầm đồng ý cho cậu con lớn ra thành phố tìm việc làm, người chồng phát hiện ra đã đánh chị túi bụi đến mức phải nhập viện.
Sau ngày ra viện, tâm lý chị Thanh càng suy sụp. Chị không còn đủ sức để khóc, để cố gắng chịu đựng nữa. Chị luôn chán nản, mỏi mệt, đau đầu, uống thuốc cũng không đỡ. Chị phản kháng lại các yêu sách của chồng và tất nhiên các trận đòn cũng trút xuống thường xuyên hơn… Cho đến gần đây, đứa con út mới chỉ học lớp 6 khóc bảo: “Mẹ ơi, mẹ bỏ bố đi!” - chị đã chạy ngay vào buồng viết đơn xin ly hôn.
Ngay cả khi viết đơn, chị cũng vẫn đang phải nghe tiếng chồng quát tháo từ ngoài sân hỏi xem tối nay nấu gì cho ông ấy ăn...
Theo số liệu từ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam khi nghiên cứu về sự thiệt hại do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại 7 tỉnh/thành đã cho thấy: Có 414/1053 phụ nữ được hỏi cho biết họ “đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 12 tháng trước khi khảo sát”. Trong số đó, có 30,4% cho biết họ khóc nhiều hơn bình thường; 38,6% gặp khó khăn trong việc ra quyết định; 40,8% không hứng thú với các hoạt động thường ngày; 46,9% kém ăn; 48,3% cảm giác không hạnh phúc; 54,1% suy nghĩ không tập trung và có tới 58,5% dễ bị mệt mỏi… |