Bạo lực kiểu trí thức: Âm thầm và nguy hiểm

14/03/2018 - 09:10
Không vung tay, hạ cẳng đánh đập, chửi rủa vợ như phần đông những người chồng say rượu vũ phu khác, những người chồng được gắn mác “trí thức” – họ có những kiểu bạo hành rất khác…

Người vô hình

Chị Nguyễn Thu Hằng (32 tuổi), sinh ra và lớn lên ở Hà Đông, Hà Nội, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học xong cấp 3, chị đã đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 23 tuổi, chị quen và kết hôn với người đàn ông hơn chị 3 tuổi. Để đi đến quyết định hôn nhân, chị đã phải cân nhắc rất nhiều vì xét về mọi mặt chị thua kém người ấy nhiều thứ. Người ấy đã tốt nghiệp 2 bằng đại học – kinh tế và ngoại ngữ. Bố mẹ người ấy đều có chức có quyền, kinh tế khá giả. Người ấy đã thuyết phục chị rất nhiều về việc người ấy lấy vợ là lấy người có tính tình hiền lành, chân thật và xinh xắn như chị; cha mẹ người ấy cũng rất dễ tính, gia đình không so đo gì về chuyện môn đăng hậu đối… Vả lại, lúc chuẩn bị cưới, người ấy cũng bảo chị tuy không học hành nhiều, không có bằng cấp nhưng chị cũng có một công việc kinh doanh, cho thu nhập tương đối ổn định. Người ấy đã động viên chị rất nhiều để cho chị sự tự tin.  Ngày quyết định về ra mắt gia đình nhà ấy, chị thấy thái độ của cha mẹ chồng cũng khá bình thường. Vậy nên chị tạm yên tâm.

Hai năm sau ngày cưới, chị lần lượt sinh hai đứa con khỏe mạnh, xinh xắn. Lấy lý do chị phải làm vợ, làm mẹ nên chồng chị yêu cầu chị ngừng việc kinh doanh riêng, chỉ ở nhà. Hàng ngày, chị lo việc cơm nước cho cả nhà, chăm con trong căn nhà bề thế to rộng 4 tầng. Người ngoài nhìn vào, ai cũng tưởng chị sung sướng, hạnh phúc. Nhưng có ai ngờ…

Chỉ sau ít ngày về làm dâu, chị bắt đầu thấy “sợ” gia đình nhà chồng. Cứ mỗi khi có mặt chồng chị hoặc khi nhà có khách, dù lạ hay quen, bố mẹ chồng đều đối xử với chị rất bình thường, thậm chí có phần niềm nở, quan tâm vui vẻ. Nhưng cứ khi chỉ có một mình chị, họ ngay lập tức có thái độ lạnh nhạt, thậm chí là thù ghét chị.

Trước mỗi việc chị làm, mẹ chồng thường đưa ra chê trách về sự ít học của chị, nói chị là nhà quê, xuất thân nghèo hèn, cha mẹ không biết dạy con, là chuột sa chĩnh gạo, là có tí nhan sắc và biết chơi bùa bỏ ngải thì mới vào được nhà này...

Nếu như trước đó thấy chị buồn, chồng còn có vẻ quan tâm, hỏi han. Nhưng dần về sau thì chồng cũng bắt đầu thay đổi. Từ một người chồng luôn tự tin với lựa chọn của mình, anh ta dần dần lạnh nhạt với vợ. Có vẻ như tối nào cũng được nghe mẹ tiêm vào đầu rằng việc anh ta lựa chọn yêu và cưới chị là sai lầm, là phút u mê, bị chơi bùa ngải... Anh ta được thăng chức thì nỗi xấu hổ có vợ ít học lại dâng lên. Anh ta không dám đưa chị đi gặp bạn bè hay đồng nghiệp. Khi về nhà, anh ta chỉ nói chuyện với bố, mẹ, 2 con và thường coi như không có mặt chị. Chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng giãn dần rồi sau đó thì anh ta chọn ngủ riêng.

Mỗi lần chị xin phép đưa con về nhà ngoại, tất cả mọi người trong căn nhà ấy đều cực lực phản đối, bảo chị muốn về thì tự về, còn con thì tuyệt đối không. Họ bảo không muốn cháu họ bị lây nhiễm cái lối sống nghèo hèn của gia đình nhà chị…

Chị cũng nghĩ đến chuyện thay đổi bản thân, hoàn thiện mình bằng cách tham dự khóa học thiết kế thời trang (chị giỏi may, vẽ rất khéo), đi học thêm nghề kế toán…; Song những ý định của chị không được chồng, cha mẹ chồng cho phép. Họ yêu cầu chị phải ở nhà, làm việc y như ôsin. Có những ngày các con đi học, cả ngày chị không nói chuyện với bất kỳ ai. Chị luôn là người vô hình trong mắt họ. Mỗi lần buồn, cô đơn quá, chị muốn về bên ngoại là phải tranh thủ tận dụng thời gian đi chợ sáng để vội vã tạt về; nhưng cũng chỉ được khoảng 1 tháng 1 lần.

Từ ngày vợ chồng sống ly thân trong cùng một căn phòng, đến nay đã hơn 3 năm. Nhiều lúc, chị cố gắng có được những cuộc nói chuyện riêng với chồng, nói thẳng với anh ta rằng: “Đã chán vợ, coi thường vợ rồi thì chia tay đi”. Nhưng, có lần thì anh ta không thèm đáp lời; có lần lại bảo không muốn mang tiếng là gia đình tan vỡ…

Hình như anh ta vừa muốn có bồ bịch ở bên ngoài, vừa muốn giữ cái tiếng là có gia đình yên ấm. Chỉ có chị là phải chịu cảm giác cô đơn, bức bối và stress đến mức muốn vứt bỏ hết, tự mình ra đi. “Nhưng 2 cháu vẫn còn quá nhỏ, và tôi biết nếu bỏ đi, tôi sẽ không được nuôi con mình, thậm chí để bước được vào cánh cổng nhà này để thăm con cũng khó. Điều đó làm tôi cứ chần chừ mãi và cố chịu đựng sự tra tấn tinh thần này. Tôi đã bị rơi vào trầm cảm, khó ngủ, sợ sệt và từng 2 lần nghĩ đến việc buông xuôi, tự tử. Khi tĩnh tâm lại, nghĩ đến con, tôi đã lén ra khỏi nhà đến Khoa Thần kinh, bệnh viện Bạch Mai khám và xin đơn thuốc. Tôi cố chịu được đến ngày nào thì hay ngày ấy”.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên -  khi chia sẻ thông tin về bạo lực gia đình, đã cho biết: “Trong một khảo sát của chúng tôi với 387 phụ nữ về tình trạng bạo lực gia đình tại Hà Nam, Hoà Bình cho thấy, có 61,4% cho biết họ phải chịu ít nhất một dạng bạo lực (tinh thần, thể chất...). Đa số họ đều ngủ kém, thường xuyên bị đau đầu, dễ dàng thấy mệt mỏi, luôn sợ hãi, lo lắng. Có 17% phụ nữ có ý định tự tử, trong đó có 19% đã từng có hành vi tự tử”…

“Lá phải lá trái”

Chị Đoàn Thanh Hường (38 tuổi, TT Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng là nhân viên văn phòng và giờ đang là chủ của một trung tâm thẩm mĩ. Chồng chị đã có bằng thạc sĩ ngành ngoại giao (và thậm chí còn đang rục rịch tính đến chuyện học lên tiến sĩ). Anh có bề ngoài luôn nhẹ nhàng, lịch thiệp. Họ cũng từng rất yêu và tự nguyện tiến đến hôn nhân. Giờ, họ cũng sinh được 2 con, một trai, một gái. Kinh tế gia đình chị thuộc dạng giàu có. Song, cũng trong khoảng suốt hơn 2 năm (từ 2014-2016), cuộc sống của chị Hường chưa từng được một ngày thoải mái, bình yên.

Hồi năm cuối Đại học, chị Hường từng có thời gian hò hẹn với 1 nhạc sĩ chuyên chơi saxophone. Sau ngày chị ra trường 1 thời gian ngắn thì họ chia tay vì chị Hường muốn làm việc ở Hà Nội còn anh người yêu thì quyết Nam tiến. Sau chia tay, họ hầu như không còn gặp lại. Mãi cho đến đầu năm 2014, anh này chuyển ra Bắc làm việc và tình cờ họ gặp lại nhau, sau đó là uống cà phê, trò chuyện bình thường… Ngay sau cuộc gặp trưa ấy về, anh kia up ảnh lên facebook cảnh quán cà phê, kèm status ngắn về sự bình yên, hạnh phúc. Anh ta lại tag cả tên chị lên đó.

Tối ấy, chị Hường đi làm về muộn, được chồng chìa điện thoại ra với bức ảnh kia, hỏi giọng nhẹ nhàng: “Anh ấy là ai thế vì thấy có gắn tên em?”. Vì nghĩ chuyện gặp lại người cũ mà trong sáng và coi nhau như bạn bè thì cũng chẳng sao nên chị Hường thành thật kể lại. Chồng nghe xong cũng gật gù “Ừ” rồi thôi. Chị nghĩ chuyện như vậy là xong.

Chị đâu có ngờ, ngay sau đó 3 ngày, chị đi làm về muộn hơn mọi ngày chừng gần 1 giờ, chồng bước ra, vừa mở cửa cho vợ vừa hỏi: “Em đi cà phê với người nghệ sĩ à mà sao lại về sớm thế?”… khiến chị sững lại. Sau đó là một chuỗi những ngày chồng ám ảnh với cơn ghen. Mà, cái kiểu ghen “lịch sự” của anh ta luôn khiến chị phát khùng. Cứ mỗi lần thấy chị cầm điện thoại là chồng lại cười cười bảo con: “Có thể mẹ đang đọc những điều hạnh phúc trên facebook đấy”. Ngày chị mệt mỏi, ăn ít hơn thường lệ, chồng “quan tâm”, vẫn cười: “Đồ ăn ở nhà không hợp. Hay em gọi bạn cũ ra quán rồi ăn gì luôn thể?”. Khi chị mua đồ mới và mặc khi đứng trước gương, chồng ngó qua, mỉm cười “góp ý”: “Em nên kéo cái cổ áo trễ xuống hơn tí nữa thì mới gợi cảm với người đối diện”. Khi con đi học về, bi bô khoe “Con hát bài mới cho bố mẹ nghe nhé” thì bố cười, gạt đi: “Thôi, thương mẹ nhé, đừng hát, mẹ chỉ thích nghe  saxophone thôi”… Chị Hường tức giận, thề thốt, hứa hẹn thậm chí là không tụ tập bạn bè gì, ngoài giờ đi làm, dành toàn thời gian cho gia đình, chị đổi cả số điện thoại, chuyển tài khoản facebook… như để chứng minh cho chồng biết là chị “trong sạch”, nhưng sự việc vẫn cứ tồi tệ. Anh chồng cho rằng chị làm những điều đó cũng chỉ là đang chơi thuyết âm mưu. Ngoài những lời nói “kháy”, nói ngược với thái độ nhẹ nhàng, cái cười giả tạo như đắc thắng thì trong phòng ngủ, chị Hường còn phải chịu đựng anh ta kinh khủng hơn.

Cứ nhằm khi vợ chồng có chuyện không thoải mái, khi vợ mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là ốm thì chồng lại chốt chặt cửa rồi giả âu yếm, quan tâm và đòi quan hệ nhưng dứt khoát là phải quan hệ trên nền của nhạc saxophone...

Chị Hường cho biết: “Anh ta làm tôi phát điên. Sự công kích tinh thần này thực sự là dạng bạo lực gây mệt mỏi, ức chế. Tôi đã cố mọi cách để khiến anh ta tin mình; cố thuyết phục để đưa anh ta đi thăm khám bác sĩ tâm lý; nhờ sự khuyên nhủ từ bố mẹ, bạn bè nhưng không được… Sau cùng, tôi chỉ có thể chọn cách bỏ anh ta. Hiện, 2 mẹ con tôi đang sống riêng với nhau trên tầng áp mái của viện thẩm mỹ. Nhưng, anh ta vẫn không chịu ký đơn ly hôn, cuối tuần nào cũng ghé qua, cười nói nhẹ nhàng, một mặt xin tôi tha thứ và bảo tôi quay về, mặt khác lại vẫn âm thầm, thủ thỉ hỏi con gái rằng “Con có thích học chơi kèn saxophone không?”.

Theo khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 8 tỉnh/thành phố, kết quả, cứ 4 gia đình bị bạo hành thì có 1 gia đình xảy ra hiện tượng bạo hành về tinh thần. Dạng bạo hành này đang ngày một phổ biến và nó rất nguy hiểm vì khó nhận biết, khó tìm được hướng giải quyết và khó đong đếm được những tổn thương. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm