Bão số 3 đang di chuyển vào đất liền, chú ý an toàn thực phẩm khi mưa lũ

17/07/2018 - 15:51
Bão số 3 còn có tên là bão Sơn Tinh đang hoạt động ở biển Đông, dự kiến có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh trong vài ngày tới. Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo, người dân cần đảm bảo an toàn thực phẩm khi mưa bão để tránh ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (17/7), sau khi đi vào phía Bắc biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 năm 2018 (tên quốc tế Son-Tinh).
 
Hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Ludong (Philippines) khoảng 250km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
 
4.jpg
Người dân cần chú ý trong lựa chọn thực phẩm để hạn chế ngộ độc. Ảnh minh họa

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 35km. Đến 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay phía Tây Bắc đảo Hải Nam, cách bờ biển các tỉnh, thành từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. 
 
Do ảnh hưởng bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; gió bão mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai (18.7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4-6m. Biển động mạnh.
 
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Đến 7 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. 
 
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tỉnh, thành nước ta dễ có mưa lớn, có thể ngập lụt. Theo TS Nguyễn Hùng Long, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, mọi người, đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao, cần cẩn trọng trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.
 
5.jpg
Cần vệ sinh môi trường sau lũ để hạn chế nguy cơ ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm

 

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát các dự báo, diễn biến tình hình bão lũ trên địa bàn. Người dân cần ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. 
 
Người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn lương thực thực phẩm sống đã bị ngập lụt; chú ý cần để riêng thực phẩm tươi sống với những thực phẩm chín. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Sau khi bão, lũ rút, chủ động vệ sinh môi trường, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống.
 
Mỗi gia đình cần chú ý đến thực phẩm dự trữ cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người già yếu; không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác. Ngoài ra, những người bị tiêu chảy hoặc có các biểu hiện khác phải tránh xa khu vực chế biến thực phẩm…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm