pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - nơi ươm lòng sẻ chia, hàn gắn và hợp tác
Nick Út (bên trái), tác giả bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm”, nhiều lần đưa các cựu binh Mỹ đến tham quan bảo tàng, giúp họ có được cảm giác nhẹ nhõm, nguôi ngoai hơn với hội chứng trầm cảm sau chiến tranh
Những giọt nước mắt của tấm lòng sẻ chia, đồng cảm
Trong không gian trưng bày về hậu quả chất của chất độc da cam/dioxin tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM, một nữ du khách phương Tây dừng lại khá lâu trước từng cụm hình ảnh, ánh mắt chăm chú và xúc động. Cô tập trung lắng nghe qua tai phôn phiên dịch nội dung, câu chuyện của các bức ảnh trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Cô là Suzanne Gathe, người Pháp. Bảo tàng này là một điểm đến trong ngày đầu tiên cô và bạn trai đặt chân đến Việt Nam.
Cũng như bao du khách phương Tây, Mỹ và các nước khác, Suzanne trở nên trầm lắng khi xem các hạng mục trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Cảm xúc ấy có lẽ mạnh mẽ hơn trước hình ảnh trẻ em chịu di chứng từ chất độc da cam/dioxin. Bởi cô là một chuyên gia trị liệu tâm lý vận động, công việc của cô là thường xuyên giúp đỡ trẻ em khuyết tật, bị những dị tật khi mới chào đời. Đặc biệt là trẻ em các gia đình nhập cư từ nhiều nước châu Phi, Syria… Hơn ai hết, cô hiểu rõ nỗi đau và đồng cảm với nạn nhân cũng như gia đình của họ.
Bày tỏ sự xúc động, Suzanne nói: "Đây là ngày đầu tiên chúng tôi khám quá đất nước Việt Nam trong hành trình qua các nước Đông Nam Á. Chúng tôi quyết định tham quan bảo tàng để hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong thời chiến, một đất nước từng đối đầu với Mỹ". Chiến tranh đã mang lại quá nhiều hậu quả, thật khó có gì bù đắp được những khó khăn, mất mát trong cuộc sống của người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng họ vẫn sát cánh bên nhau sau cuộc chiến gần 50 năm qua. Tôi cũng muốn nói lời xin lỗi cho những điều mà nước Pháp gây ra cho Việt Nam trong thời gian đô hộ trước đây. Tôi tự hỏi mình sẽ làm gì cho đất nước này khi đến đây".
Nhiều du khách trẻ khác khi tham quan cũng có những cảm xúc tương tự. Theo chị Thu Sương, người thuyết minh tại bảo tàng, có người khi thấy chị đi tới bỗng nhiên thốt lên "tôi xin lỗi", rồi ôm chầm lấy chị mà khóc. Thu Sương cho biết mình tế nhị cũng không hỏi thêm gì nhưng với kinh nghiệm làm việc lâu năm thì biết được họ có thể là con cháu của những người từng tham chiến tại Việt Nam. Cũng có khi trong lúc thuyết minh, Thu Sương phát hiện một ánh mắt trĩu xuống, sắc mặt chùng lại hoặc rời đi, lặng lẽ ra một góc riêng ngồi. Đó chính là những cảm xúc đồng cảm và sẻ chia rất thật giữa con người với nhau.
Không gian đầy chứng tích đau thương trở thành nơi hàn gắn, sẻ chia và hợp tác
Cảm xúc và chia sẻ của nữ du khách Pháp Suzanne Gathe cũng là suy nghĩ của vô số du khách nước ngoài từng đặt chân đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Trong đó có cả những cựu binh, những con người bên kia chiến tuyến với Việt Nam trước đây. Bà Huỳnh Ngọc Vân, cựu giám đốc bảo tàng, từng chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động từ các cựu chiến binh. Theo bà, thường gặp nhất là các cựu chiến binh Mỹ không kìm được cảm xúc, bật khóc khi xem lại hình ảnh quá khứ. Nhiều lần các nhân viên an ủi mãi vẫn không được phải gọi bà Vân ra để xử lý. Rồi họ cũng ôm chầm lấy bà mà khóc òa...
Có đoàn thì sau khi tham quan đã đồng lòng nắm tay nhau, quỳ xuống ngay trong phòng trưng bày để thể hiện hành động sám hối về những điều mà họ và đồng đội đã gây ra trước đây. Hay các du khách đã quỳ lạy tỏ lòng thành kính hoặc ăn năn trước hiện vật thai nhi bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin…
Xuất phát từ mong muốn của các tổ chức cựu chiến binh Mỹ cũng như các nước tham chiến, trước đây bà Huỳnh Ngọc Vân đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa con người 2 bên chiến tuyến. Nhờ sự kết nối của bảo tàng mà nhiều cựu chiến binh Việt Nam đồng ý gặp "kẻ thù cũ". Rồi các buổi gặp mặt diễn ra, một bên nói lời xin lỗi, một bên nói lời thứ tha, trở thành bạn của nhau. Đặc biệt tổ chức "Trái tim người lính" của Mỹ gồm những nhà khoa học về trị liệu hội chứng trầm cảm sau sang chấn chiến tranh (hội chứng PTSD) đã kết hợp với bảo tàng tổ chức để họ được đến sám hối, tìm cảm giác được thứ tha. Qua đó, mở ra nhiều hoạt động mang ý nghĩa xoa dịu nỗi đau, mất mát do chiến tranh tại Việt Nam từ phía cựu chiến binh Mỹ khi họ bình phục.
Như một nhóm cựu binh Mỹ là các bác sĩ đã tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe cho cựu binh Việt Nam. Thời chiến chạm mặt là bắn, còn bây giờ họ ngồi cùng nhau xoa thuốc, xoa dầu làm dịu những vết thương thể xác cho nhau. Có nhóm tìm đến tặng các hiện vật, nhạc cụ cho nơi nuôi trẻ em khuyết tật… Hay ở cấp độ quy mô hơn là hoạt động rà phá bom mìn sau chiến tranh, khử chất độc da cam/dioxin ở các chiến trường xưa…
Từ một không gian trưng bày chứng tích đau thương của chiến tranh đã trở thành nơi hội tụ của sự đồng cảm, sẻ chia, thứ tha, bỏ qua quá khứ để tạo dựng hiện tại và tương lai của tình hữu nghị, hợp tác. Vì vậy mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn được gọi là Bảo tàng Hòa bình.
Đó là kết quả từ những nỗ lực của bảo tàng trong quá trình thay đổi, chỉnh lý hoạt động trưng bày sao cho bớt phần nặng nề, xóa bỏ cảm giác chúng ta khư khư ghim sự hận thù. Mà trên hết là mong muốn hàn gắn, muốn thế giới thấy được từ bài học Việt Nam, không gây nên có những cuộc chiến tranh tương tự.
Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết: "Trước đây các hiện vật, hình ảnh tại bảo tàng có chú thích, bình luận khá gây gắt, chứa nhiều thù hằn. Từ cách gọi ta, địch, bọn nó… Vì vậy tôi có đề xuất truy lại các chú thích gốc của những bức ảnh đăng trên báo chí xưa để thay thế cho mang tính khách quan hơn hoặc biên tập lại cho nhẹ nhàng, mang tính chất kể chuyện chứ không theo góc nhìn gay gắt từ một phía.
Các kịch bản trưng bày cũng thay đổi, bổ sung nhiều hình ảnh của phong trào phản chiến từ Mỹ và các nước. Cho thấy rằng cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của Việt Nam được bạn bè thế giới ủng hộ. Mất rất nhiều năm để thay đổi những điều này".
Không gian trưng bày hậu quả chất độc da cam/dioxin hiện nay là nơi thể hiện rõ sự thay đổi mang thiện chí hàn gắn và hợp tác từ hai phía. Các hũ đựng thai nhi ảnh hưởng chất độc da cam được thay bằng mô hình ngôi mộ thủy tinh cho nhẹ nhàng hơn. Người xem có thể nhìn thấy nhưng cảm giác các hài nhi vẫn được chôn cất chứ không phải trong các hũ hóa chất vô cảm, có phần ghê rợn như trước đây. Ở đây có cả những tư liệu cho thấy bản thân những người lính bên kia chiến tuyến và con cái họ cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Hay nhiều hình ảnh nạn nhân chất độc da cam/dioxin vươn lên, vượt qua số phận… có phần tươi sáng hơn.
Theo bà Đinh Ngọc Hằng, Phó Giám đốc bảo tàng thì nơi đây đang triển khai dự án tiếp tục chỉnh lý nội dung phòng trưng bày hậu quả chất độc da cam/dioxin do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Dự án bắt đầu từ 2021, dự kiến sẽ ra mắt vào 2025. Cái mới sẽ thể hiện rõ hơn sự hợp tác của 2 bên trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, xử lý bom mìn còn sót, xử lý chất độc da cam/dioxin và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh mang tinh thần nhân đạo. Công trình này về phương diện ngoại giao chứa đựng tinh thần chia sẻ, gắn kết và hợp tác. Dự án này cũng được quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ quan tâm, ủng hộ.