Bất cập trong giao chỉ tiêu biên chế công chức tại các bộ ngành, địa phương

22/05/2018 - 11:04
Qua kết quả kiểm toán tại 13 bộ ngành, 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả. Trong khi đó giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế. Sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, phiên thảo luận tại tổ sáng nay 22/5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra vấn đề vi phạm chỉ tiêu biên chế tại các địa phương. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy việc giao chỉ tiêu vẫn còn tồn tại vấn đê, bất cập. Kết quả kiểm toán tại 13 bộ ngành, 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả. Trong khi đó giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao lên hơn 5 ngàn biên chế. Sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định hơn 63 ngàn người.

Tại tổ 7 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Dương), ông Hoàng Quang Hàm, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho biết: Theo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, có việc vi phạm sử dụng lao động vượt biên chế công chức được giao lên tới hơn 63 ngàn người.

ong-hoang-quang-ham.jpg
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
 

Theo ông Hoàng Quang Hàm, “đây rõ ràng là vi phạm”, việc tinh giản biên chế hiện nay không hiệu quả. Trong đó có thể thấy đang tồn tại một thực tế là tâm lý nể nang, duy tình trong việc tinh giản biên chế.

Mặt khác, cũng có thể thấy việc giao chỉ tiêu về các địa phương còn tồn tại vấn đề. Theo đại biểu Quang Hàm, việc giao chỉ tiêu biên chế hiện nay không phù hợp với từng vùng miền. Ví dụ các thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội có số người nhập cư rất đông, lên tới hàng triệu người, thì số lượng biên chế công chức cho các địa phương này thế nào?

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 chiều qua 21/5, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết: Việc triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập. Hiện còn thiếu 5/7 nghị định để thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/NĐ-CP.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết: Kết quả kiểm toán tại 13 bộ ngành và 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả. Trong khi đó giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người.

cong-chuc.jpg
Lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức và số chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn quá lớn. Theo Báo cáo số 185/BC-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tình hình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017: Tính đến hết năm 2016 cả nước vẫn còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm toàn bộ kinh phí (bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp).

Kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm