pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất ngờ trước thực trạng trẻ em cũng bị cườm nước, căn bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở người từ 40 tuổi
Ai cũng có nguy cơ bị Glôcôm, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn
Bé Phạm Gia Bảo, 6 tháng tuổi ở Vũng Tàu thời gian gần đây có biểu hiện rất lạ. Bé sợ ánh sáng, khi bật đèn bé sẽ khóc thét lên, nếu bé còn bú mẹ thì lúc bú no bé vẫn úp mặt vào ngực mẹ, chảy nước mắt sống ròng rã ở cả hai bên mắt và hay nheo mắt.
Khi đi khám tại Bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bác sĩ kết luận, bé Gia Bảo bị bệnh cườm nước. Từ 6 tháng trở lên, thị lực của bé Bảo sẽ giảm dần. Bác sĩ cho biết, gia đình dễ phát hiện qua hội chứng mắt trâu, tức mắt của bé sẽ nở to tròn, con ngươi to như mắt trâu.
Các bác sĩ nhãn khoa tại BV Mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khuyên cha mẹ của Gia Bảo nếu phát hiện bệnh cườm nước càng sớm thì việc chữa trị sẽ rất hiệu quả, nếu để lâu, sẽ dẫn tới mù vĩnh viễn.
Lúc này, gia đình quá bất ngờ vì không nghĩ trẻ mới 6 tháng tuổi đã mắc căn bệnh này.
Theo Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ Chuyên khoa II (TTND.BS CKII) Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bệnh Glôcôm, hay còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống là bệnh lý ở mắt khi hệ thống thoát thủy dịch bị tắc nghẽn, khiến nhãn áp tăng cao dẫn đến tổn thương thị lực.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương thị giác mà Glôcôm đã gây ra.
Do đó, Glôcôm là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng hàng thứ hai ở nhiều khu vực trên thế giới.
Các chuyên gia nhãn khoa chia sẻ thông tin về "kẻ cắp thị lực thầm lặng" tại Tọa đàm trực tuyến "Căn bệnh Glôcôm – Kẻ cắp thị lực thầm lặng"
Bệnh Glôcôm còn gọi là "kẻ cắp thị lực thầm lặng" vì bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, tiến triển âm thầm, từ từ và nặng dần.
Với việc hiểu biết về căn bệnh này ở nước ta hiện còn chưa nhiều, theo thống kê, 94% người dân không hiểu rõ hoặc còn mơ hồ về bệnh. 50% người bị không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám vì các triệu chứng xuất hiện. Đến lúc này thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, Glôcôm ở thể nặng có thể dẫn tới mù lòa vĩnh viễn, không thể phục hồi nữa.
Theo thống kê, ước tính ở Việt Nam có khoảng 3.4 triệu người mắc Glôcôm, trong đó 2.4 triệu người chưa được chẩn đoán và điều trị vì những lí do trên.
Thông thường, càng lớn tuổi nguy cơ mắc Glôcôm sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, thực tế ai cũng có nguy cơ bị Glôcôm, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Cụ thể, bệnh Glôcôm đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với những người dưới 40 tuổi.
Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh cườm nước
Ngoài yếu tố tuổi tác, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh Glôcôm cao hơn nếu: Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị Glôcôm. Bệnh thường có yếu tố gia đình và di truyền, nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 4 đến 9 lần nếu trong gia đình có người bị bệnh; Nhãn áp cao; Có tiền sử dùng thuốc corticoid kéo dài; Cận thị hoặc viễn thị nặng; Đang bị tăng huyết áp, đái tháo đường; Từng chấn thương ở mắt. Đây là nguyên nhân gây ra Glôcôm góc đóng hoặc góc mở thứ phát. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau chấn thương hoặc xuất hiện nhiều năm sau đó.
Cũng theo Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn, Glôcôm là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Phần thị lực đã mất cũng không thể hồi phục. Cho nên, việc điều trị sẽ giúp ngăn ngừa tiến triển của bệnh và bảo tồn phần chức năng thị giác còn lại cho bệnh nhân.
Các chuyên gia cho biết, Glôcôm hoàn toàn có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh trước 5 năm nếu được theo dõi định kỳ
Nói cách khách, mục tiêu trong điều trị bệnh Glôcôm là giảm nhãn áp để ngăn chặn các tổn thương thêm gây suy giảm thị lực dần dần dẫn đến mù lòa.
Điều trị bằng thuốc nhỏ mắt sẽ là lựa chọn điều trị đầu tiên cho các bệnh nhân Glôcôm góc mở. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tùy thuộc vào nhãn áp ở mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định dùng một hay phối hợp nhiều thuốc.
MC Thanh Thảo khuyến cáo cha mẹ khi thấy tròng đen trong mắt trẻ to hơn bình thường, hay sợ ánh sáng thì nên nghĩ ngay đến bệnh cườm nước và đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh được hậu quả nặng là biến chứng mù lòa sau này. Cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám mắt định kỳ và tầm soát Glôcôm càng sớm càng tốt để trả lại đôi mắt sáng cho trẻ.