Cụ thể, đề thi đưa ra tình huống: “Anh A, trong tâm trạng rất bất ổn đến Trung tâm tư vấn pháp luật có yêu cầu tư vấn về vụ việc vừa xảy ra tại nhà anh”.
Nội dung vụ việc mà anh A trình bày được đưa ra dưới dạng bài thơ với nội dung tóm tắt như sau: Anh A vì muốn cai sữa cho con nên đã bôi lọ dung dịch màu vàng lên “gò bồng đảo” của vợ rồi đi làm. Nhưng sau anh mới phát hiện ra mình đã lấy nhầm lọ thuốc cực độc và hậu quả thì thật là… trớ trêu. Khi anh về đến nhà thì nạn nhân ngộ độc lại là... chú hàng xóm.
Đề thi hết học phần do Trung tâm tư vấn pháp luật, Trường ĐH Luật Hà Nội đưa ra nhận được nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. |
Đề thi ngay sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã hút sự quan tâm chú ý của nhiều người. Không ít người đánh giá cao về tính mới mẻ, sáng tạo trong việc ra đề thi bằng thơ, đặc biệt đột phá so với cách ra đề của những đề thi liên quan đến luật. Một số thì nhận xét đề thi rất hài hước, hóm hỉnh. Tuy nhiên, số khác thì cho rằng những tình huống “nhạy cảm” như vậy không thật sự phù hợp để mang vào các đề thi.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Cương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, ĐH Luật Hà Nội xác nhận đây là đề thi cuối học phần dành cho học viên văn bằng hai được trung tâm ra mới đây. Theo ông Cương đây là bước đột phá của Trung tâm khi thể hiện dưới hình thức thơ. “Thực chất tình huống đặt ra có thể được thể hiện bằng nhiều cách nhưng có thể thơ là hơi lạ so với những người quen cách thức truyền thống. Hình thức lạ nên có thể có nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng tốt người thì không. Tuy nhiên là những người ra đề thi chúng tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ, đặc biệt những nội dung phải đảm bảo được yêu cầu của đề thi”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, vì đối tượng làm đề thi hầu hết là những người đi làm, đã có gia đình nên đề thi khá phù hợp. Thể hiện bằng thơ thì không bị khô khan, tăng tính hình ảnh, thể hiện rõ nét hơn tâm trạng của nhân vật trong tình huống.
“Tất nhiên nếu đối tượng là sinh viên ĐH chính quy thì không nên ra như vậy, tuy nhiên đây là hệ văn bằng 2 cho những cán bộ đã đi làm, lớn tuổi và có gia đình, từng trải rồi thì tôi nghĩ đề thi này tạo ra sự hài hước, không khí thoải mái cho những người tiếp nhận đề thi”, ông Cương phân tích.
Về nội dung đề thi, ông Cương cho biết, 99% người không có chuyên môn pháp luật khi đọc đề thi này sẽ suy luận ngay nguyên nhân xuất phát từ vấn đề ngoại tình.
“Tuy nhiên, cái chết của một con người có thể nhiều nguyên nhân, cho nên người hành nghề pháp luật phải có tư duy phản biện, toàn diện. Tình huống đưa ra để các bạn rút kinh nghiệm để đưa ra đánh giá hay kết quả đúng, tránh trường hợp kết tội oan chỉ vì nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất. Trong đáp án có thể có 6 tình huống có thể xảy ra dẫn đến cái chết của nhân vật trong bài”, ông Cương chia sẻ.
Do đó, ông Cương cho rằng học viên phải có tầm nhìn khác, tư duy rộng và toàn diện hơn để có thể xử lý đề thi này.