pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bầu cử Mỹ 2024: Bình đẳng giới trong chính sách của 2 ứng viên tổng thống
Ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump
Chính sách bình đẳng tại nơi làm việc
Khi làm tổng thống, ông Donald Trump vẫn duy trì một số luật chống phân biệt đối xử hiện hành của liên bang. Tuy nhiên, chính quyền của ông đã hủy bỏ một số biện pháp bảo vệ dành cho người lao động LGBTQ+ và các biện pháp bảo vệ chống phân biệt đối xử theo giới tính trong các hợp đồng liên bang. Đến nay, ông phản đối việc mở rộng các biện pháp bảo vệ người lao động cho người chuyển giới theo Đạo luật Dân quyền năm 1964. Mặt khác, ông Trump luôn có quan điểm cứng rắn về vấn đề chuyển giới. Một trong những chính sách gây tranh cãi của ông là quyết định cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội Mỹ. Quyết định này đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều tổ chức bảo vệ quyền LGBTQ+ và các cựu quân nhân.
Trong khi đó, bà Kamala Harris luôn là người ủng hộ nhiệt thành cho các chính sách chống phân biệt đối xử và quyền bình đẳng tại nơi làm việc trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Từ thời làm Tổng chưởng lý của California, bà đã có lập trường mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền LGBTQ+ và đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Tại Thượng viện, bà đã ủng hộ Đạo luật Bình đẳng để mở rộng các biện pháp bảo vệ của liên bang chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục và bản dạng giới. Từ lâu bà đã đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc và ủng hộ đại diện nhiều hơn và công bằng lương cho phụ nữ và các nhóm thiểu số.
Tiền lương bình đẳng
Khoảng cách tiền lương vẫn chưa được thu hẹp, phụ nữ kiếm được là 84 cent so với 1 USD thu nhập của nam giới. Tổng cộng phụ nữ sẽ mất gần 400.000 USD trong suốt sự nghiệp kéo dài 40 năm. Đối với phụ nữ thổ dân và da đen, tổn thất trong suốt cuộc đời tương đương khoảng 1 triệu USD trở lên. Nghĩa là nhiều phụ nữ da màu sẽ phải làm việc đến 80 hoặc 90 tuổi - vượt quá tuổi thọ của họ - mới có thể bắt kịp thu nhập của nam giới.
Mặc dù không ứng cử viên nào đưa nền tảng chính sách trả lương bình đẳng chính thức vào chiến dịch năm 2024 nhưng các hành động trong quá khứ là chỉ báo tốt cho lập trường của họ đối với các chính sách phân biệt đối xử về tiền lương trong tương lai. Với tư cách là Thượng nghị sĩ, bà Harris là người đồng bảo trợ cho Đạo luật Công bằng Tiền lương tại Quốc hội khóa 116. Đạo luật này bảo vệ người lao động khỏi bị sa thải nếu họ nói về mức lương của mình tại nơi làm việc, cấm người sử dụng lao động hỏi về lịch sử tiền lương để khoảng cách tiền lương theo giới tính và chủng tộc không tiếp diễn. Đạo luật yêu cầu Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) thu thập thông tin về tiền lương để giúp đưa sự chênh lệch tiền lương ra khỏi bóng tối. Bà Harris đã công bố một kế hoạch trả lương bình đẳng, theo đó các công ty phải chia sẻ dữ liệu chứng minh rằng họ đang trả lương bình đẳng cho người lao động cho cùng một công việc hoặc phải đối mặt với khoản tiền phạt.
Mặt khác, các hành động trước đây của ông Trump đã khiến Mỹ thụt lùi trong việc thu hẹp khoảng cách tiền lương. Thu thập dữ liệu tiền lương là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách vì các công ty không thể sửa chữa những gì họ không biết. Ông Trump đã chặn một sáng kiến thu thập dữ liệu tiền lương bình đẳng quan trọng, yêu cầu các nhà tuyển dụng lớn phải báo cáo dữ liệu tiền lương theo chủng tộc, dân tộc, giới tính và loại công việc. Một thẩm phán liên bang sau đó đã ra lệnh cho chính quyền Trump khôi phục việc thu thập dữ liệu tiền lương.
Nghỉ phép có lương
Mỹ là quốc gia công nghiệp hóa duy nhất không có bất kỳ chính sách nghỉ phép có lương nào trên toàn quốc, song 85% cử tri tại các tiểu bang chiến trường ủng hộ chế độ nghỉ phép có lương vì lý do gia đình và y tế. Theo thống kê, phụ nữ, người da màu và người lao động lương thấp là những đối tượng ít có khả năng được hưởng chế độ nghỉ phép có lương nhất.
Chính sách của ứng cử viên Trump về nghỉ phép vì lý do gia đình - để chăm sóc trẻ em, người thân bị bệnh hoặc vấn đề y tế cá nhân - không rõ ràng lắm, mặc dù chiến dịch của ông cho biết ông ủng hộ chính sách này. Với tư cách là tổng thống, ông từng Trump ký thành luật 12 tuần nghỉ phép có lương như vậy cho nhân viên liên bang và khoản thuế trả lại cho các công ty cấp chế độ nghỉ phép gia đình có lương cho người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính quyền của ông không thúc đẩy các chính sách rộng hơn bao gồm cả nhân viên khu vực tư nhân.
Ngược lại, bà Harris đã ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng chế độ nghỉ phép có lương và chế độ phúc lợi gia đình. Bà ủng hộ việc cung cấp tới 12 tuần nghỉ phép có lương dành cho gia đình và y tế cho tất cả người lao động. Tiền này được tài trợ thông qua đóng góp tiền lương và chi trả cho việc sinh con hoặc nhận con nuôi, chăm sóc trẻ em bị ốm, cha mẹ, vợ/chồng hoặc bạn đời, hồi phục sau khi ốm hoặc chăm sóc cựu chiến binh. Bà đã ghi nhận rằng chế độ nghỉ phép có lương toàn diện là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình.
Quyền sinh sản
Bà Harris cam kết sẽ ký ban hành đạo luật khôi phục quyền nạo phá thai trên toàn liên bang nếu đạo luật này được Quốc hội thông qua. Bà Harris công kích đối thủ Trump về vấn đề này, vì ông là người đã bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ vào Tòa án Tối cao trong thời gian cầm quyền.
Trong khi đó, ông Trump giữ quan điểm đây là vấn đề do các bang tự quy định. Tuy nhiên, Trump nói rằng một số bang đã thông qua luật phá thai "quá nghiêm ngặt" và cho rằng "những luật đó sẽ được sửa lại". Ông cũng hứa hẹn sẽ ban hành chính sách miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm nếu đắc cử. Trong những tháng gần đây, ông Trump đã tuyên bố trên mạng xã hội và trong các bài phát biểu của mình rằng ông sẽ bảo vệ phụ nữ ở Mỹ bằng cách làm cho cộng đồng của họ an toàn hơn và bằng cách đảm bảo rằng họ sẽ không "nghĩ đến việc phá thai".
Theo báo New York Times, đối với những người chỉ trích ông Trump, bình luận mới nhất về việc ông sẽ bảo vệ phụ nữ "bất kể họ có thích hay không" chỉ càng làm gợi lại chuyện ông từng có các phát ngôn mang tính kỳ thị phụ nữ và việc ông từng bị kết tội "lạm dụng tình dục".