7 nghi can trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội bị bắt giữ. Ảnh Đàm Huy. |
Theo thông tin của cơ quan công an, trong 5 nghi can người Việt đã cấu kết với Ihugba Augustine Chinonso (30 tuổi) và Onu Chinoso Peter (31 tuổi, quốc tịch Nigieria) thì vợ chồng Trần Viết Hùng và Lê Thị Mai Phương (cùng 34 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) có vai trò tổ chức rất quan trọng.
Năm 2013, cặp đôi này đã quan biết với đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, (SN 1992, ngụ tỉnh Nghệ An) và đã lên kế hoạch “làm ăn” với nhóm người Nigeria để lừa đảo. Theo đó, “con mồi” mà chúng nhắm đến là những phụ nữ Việt. Các đối tượng người Nigieira sẽ lên mạng facebook kết bạn, làm quen, tìm hiểu hoàn cảnh và dưới “vỏ bọc” là những doanh nhân giàu có, chúng sẽ đặt vấn đề tình cảm để tặng quà có giá trị.
Điển hình là trường hợp của chị N.T.H.C (SN 1979, ngụ TPHCM). Tại cơ quan điều tra, chị C. khai rằng vào tháng 1/2016, chị bất ngờ nhận được tin nhắn kết bạn làm quen trên mạng xã hội của người đàn ông xưng Brian Ronald, quốc tịch Anh, song thực chất đó chính là Ihugba Agustine Chinonso.
Mỗi ngày, Ihugba đều nhắn tin trò chuyện với chị. Với vốn tiếng Anh khá tốt nên qua nhiều lần trò chuyện qua facebook, chị cũng nảy sinh cảm tình với Ihugba, bởi Ihugba luôn quan tâm chị rất đặc biệt. Mọi công việc, mối quan hệ của chị, người đàn ông này đều nắm rất rõ.
Đến ngày 2/2/2016, Ihugba nhắn tin cho chị C. biết mình sẽ về Việt Nam chơi và nhân tiện gửi cho chị một thùng quà có giá trị để “bày tỏ tình cảm” gồm: 100.000 USD, nước hoa, túi xách và một số điện thoại Iphone.
Ngày 4/2, một người phụ nữ tự xưng là Huỳnh Kim Thoại - cán bộ của công ty chuyển phát nhanh ở sân bay - đã gọi điện thoại, thông báo cho chị C. rằng thùng hàng từ nước ngoài đã được gửi về Việt Nam. Nếu muốn lấy hàng thì cần phải gửi 1.200 USD (hơn 27 triệu đồng) để đóng phí vận chuyển.
Chị C. tiếp tục nhắn tin với Ihugba thì cũng được xác nhận yêu cầu này, bởi giá trị “món quà” đó lớn hơn rất nhiều lần số phí phải bỏ ra. Nhẹ dạ nên chị C. đã đồng ý chuyển tiền vào tài khoản do “cán bộ” này cung cấp.
Hôm sau, chị C. tiếp tục nhận được điện thoại của Thoại, cho biết rằng, thùng hàng có chứa số tiền quá lớn nên bị hải quan tạm giữ vì có chứa số tiền lớn nên chị phải nộp thêm 80 triệu đồng mới lấy được quà. Tiếp tục tin lời vị "cán bộ", chị C. chuyển tiếp vào tài khoản của bọn chúng 80 triệu đồng.
Đến ngày 19/2, chị C. vẫn chưa nhận được quà. Chị sốt ruột liên hệ với Ihugba thì người này nói rằng, do “không hiểu luật Việt Nam” nên mới có phiền phức đó và hắn liên tục thúc ép chị phải chuyển tiếp số tiền 111 triệu đồng để sớm làm thủ tục nhận quà được. Đâm lao phải theo lao, phần tiếc số tiền đã bỏ ra, phần nghĩ đến khoản lợi từ món quà mang đến, chị C. đã chuyển nốt số tiền này.
Chưa dừng lại, chị C. còn nhận được một cuộc điện thoại của Trần Viết Hùng, tự xưng là cán bộ Công an TP. Hà Nội, cho biết gói quà đang ở sân bay Nội Bài, trong đó có nhiều tiền và yêu cầu phải nộp 200 triệu đồng. Từ đây, chị C. nghi ngờ bị lừa đảo nên báo Công an TPHCM vào cuộc điều tra.
Bằng thủ đoạn “nhận quà, nộp phí” tương tự, chị L.T.T.A (SN 1980, ngụ Đà Nẵng) cũng bị băng nhóm lừa đảo này chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng. Chị A. cũng được một “thương gia” tặng món quà. Đối chiếu các thông tin, dữ liệu, thậm chí giấy tờ, con dấu mà nhóm đối tượng này cung cấp, chị hoàn toàn tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản để nhận món quà hàng trăm ngàn USD. Tương tự, rất nhiều phụ nữ khác liên tiếp bị “sập bẫy”.
Một nạn nhân đến cơ quan công an trình báo bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh cơ quan công an cung cấp. |
Từ lời khai của các nạn nhân, cơ quan công an đã tiến hành điều tra và bắt giữ Ihugba cùng Onu tại căn hộ Chung Cư Thới An (quận 12, TPHCM), thu giữ gần 100 thẻ ATM, Visa đứng tên người Việt. Nhiều đồng phạm khác nhanh chóng bị vây bắt.
Theo một cán bộ điều tra, thì thủ đoạn trên tuy đã quá cũ song nó vẫn khiến các nữ nạn bị lừa, bởi nhóm tội phạm trên đã dựng lên “màn kịch” khá tinh vi, bài bản. Đó là tìm hiểu rất kỹ về đời sống, tình cảm, tình trạng hôn nhân và cả kinh tế đối nạn nhân. Các thông tin, hình ảnh trên facebook của chúng đều giả mạo doanh nhân, người giàu có nhằm chiếm lấy sự tin tưởng. Mặt khác, tâm lý hám lợi của nhiều phụ nữ cũng là nguyên nhân chính khiến họ dễ dàng trở thành “con mồi”.
Thủ đoạn này tuy đã cũ và đã từng được rất nhiều báo chí thông tin, song nó vẫn vô cùng hiệu quả. Bởi, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016, đã có hơn 80 phụ nữ trên cả nước bị lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng.
Hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về những lời cảnh báo và kỹ năng nhận dạng nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội.