Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt do mắc hội chứng nguy hiểm

Tuấn Minh
16/05/2023 - 17:56
Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt do mắc hội chứng nguy hiểm

Ảnh minh họa

Tưởng do mắt yếu nên con mới hay bị nháy mắt, người mẹ mua thuốc bổ cho uống nhưng không cải thiện, đi khám mới biết con mắc hội chứng Tic.

Mới đây, BS Nguyễn Văn Hùng (chuyên gia điều trị các bệnh lý tâm bệnh trẻ em, làm việc tại Hưng Yên) chia sẻ, phòng khám của anh mới tiếp nhận một trường hợp bị rối loạn Tic - hội chứng xuất hiện ở nhiều trẻ có thói quen xem tivi, điện thoại liên tục mỗi ngày.

Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt tưởng mắc bệnh mắt, ai ngờ bị rối loạn Tic

Đây là một bé trai tên N., 5 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội. Trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19, bé được ở nhà xem tivi, điện thoại (đặc biệt là xem điện thoại rất nhiều). "Con xem điện thoại cả ngày lẫn đêm. Vợ chồng mình đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Con ở nhà với anh, điện thoại cũng để ở nhà cho tiện liên lạc nên khó kiểm soát việc này", chị H. (mẹ bé) kể.

Cách đây 4 tháng, chị H. bỗng thấy con thường xuyên nháy mắt. Trong quá trình theo dõi, chị hốt hoảng nhận ra con không kiểm soát được tình trạng này. Lo mắt con bị yếu, chị mua thuốc bổ mắt cho uống chứ cũng không nghĩ con mắc bệnh gì cả.

Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt, mẹ mua thuốc bổ cho uống không khỏi, hóa ra mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, uống 1 tháng, tình trạng nháy mắt của bé N. không hề thuyên giảm. Con xuất hiện thêm dấu hiệu khác ngoài nháy mắt. Cụ thể là trợn mắt không kiểm soát, liếc mắt về nhiều phía. Khi hỏi con cảm thấy thế nào, bé N. thường xuyên nói với mẹ "mắt con hỏng rồi sao ấy". Người làm mẹ như chị H. nghe rất xót xa, lo lắng, quyết định đưa con đi khám mắt.

Con được chẩn đoán viêm kết mạc, sau đó được kê thuốc uống và nhỏ mắt. Tuy nhiên không có dấu hiệu hết bệnh. Chị H. lo lắm. Chị đi nghe ngóng, tìm kiếm khắp nơi những mong chẩn đoán ra bệnh và chữa dứt điểm cho con. 

Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt, mẹ mua thuốc bổ cho uống không khỏi, hóa ra mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

BS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, bé N. có các triệu chứng của hội chứng Tic. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn Tic của bé N. nhiều khả năng do thời gian dài tiếp xúc màn hình máy tính, tivi, điện thoại nhiều. Bé N. thuộc nhóm Tic vận động đơn giản. BS Hùng quyết định áp dụng các biện pháp kết hợp để điều trị cho bé. Sau 1 tháng, bé không còn nháy mắt, trợn mắt vô cớ.

Rối loạn Tic biểu hiện ở mắt - cẩn thận dễ nhầm lẫn với bệnh lác

Theo BS Hùng, hiện nay, khi thấy con bị nháy mắt vô cớ, liên tục, nhiều cha mẹ dễ nhầm lẫn con mình bị lác. Thực ra, đây là một trong những dấu hiệu bị Tic vận động đơn giản. "Để loại trừ trường hợp này, bạn cũng nên cho con đi khám các bác sĩ chuyên khoa mắt", BS Hùng khuyên.

Chuyên gia cho biết, rối loạn Tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện một cách bất thường, lặp đi lặp lại mất kiểm soát. Đây là rối loạn thường xuất hiện trước 18 tuổi. Trong đó, tuổi khởi phát trung bình là 4 - 6 tuổi.

Bé 5 tuổi thường xuyên nháy mắt, hóa ra mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 3.

BS Nguyễn Văn Hùng.

Rối loạn Tic liên quan đến các biểu hiện về vận động và âm thanh. Nó thường được chia làm hai nhóm đơn giản và phức tạp. Trong đó:

- Tic vận động đơn giản bao gồm chớp mắt, nhăn mũi, nhún vai, giật đầu, cổ… Tic âm thanh đơn giản bao gồm ho, hắng giọng, khịt mũi, lầm bầm… thường gây ra bởi sự co cơ của cơ hoành hoặc cơ hầu họng.

- Tic phức tạp kéo dài lâu hơn, diễn ra đồng thời các Tic đơn giản bao gồm Tic phức tạp về vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…) hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét…).

Theo BS Hùng, nguyên nhân gây ra rối loạn Tic ở trẻ cho đến hiện nay vẫn chưa xác định được rõ ràng. Một số yếu tố về môi trường và sinh học có thể gây ra hội chứng Tic ở trẻ. Ví dụ như các chất gây dị ứng, hóa chất trong các sản phẩm làm sạch. Thậm chí là do bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, rối loạn Tic ở trẻ là do di truyền, trong khi một số khác lại nói là do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng Tic cũng có thể là do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng...

"Gần đây rất nhiều trẻ được phát hiện mắc rối loạn Tic có liên quan đến xem tivi, điện thoại nhiều. Một số bé do áp lực học tập căng thẳng cũng làm rối loạn Tic nặng lên", chuyên gia chia sẻ.

Hiện nay, sắp vào thời điểm trẻ được nghỉ hè, ở nhà nhiều, trẻ dễ tiếp xúc tivi, điện thoại nhiều. Cha mẹ nên tăng hoạt động ngoài trời, cho con chơi thể thao, tham gia các môn năng khiếu... Tránh cho trẻ tiếp xúc tivi, điện thoại thường xuyên. Nên có khung giờ và quản lý thời gian cố định cho trẻ khi xem tivi ở nhà. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giảm áp lực học tập, giảm việc học thêm, học online, học trên phần mềm… để con phòng tránh nguy cơ mắc rối loạn Tic.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm