Chiến tranh và nghèo đói đang khiến số lượng bé gái phải lấy chồng sớm gia tăng một cách nhanh chóng bởi lý do tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa hay những cô gái nhỏ không có khả năng tự bảo vệ, không thể tự nuôi sống bản thân hoặc bị các nhóm khủng bố bắt cóc.
Nhớ lại khoảng 3 năm trước, hơn 200 nữ sinh tại Chilbok, Nigeria đã bị tổ chức Boko Haram tại Nigeria bắt cóc. Và cho đến nay, tung tích của các em vẫn là một một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng số phận của các em được định đoạn bởi những tay súng, phải đối mặt với bạo lực kinh hoàng, bị lạm dụng và hãm hiếp.
Hình ảnh một bà mẹ trẻ bế đứa con của mình trên tay. |
Tổ chức từ thiện Cứu trợ nhi đồng (Save The Children) cho biết: "Tại Bắc Nigeria, các bé gái thường bị bắt cóc từ các làng và phải đối mặt với những sự lựa chọn khủng khiếp: Hoặc là kết hôn với một tay súng trong nhóm vũ trang cực đoan, hoặc là bị giết. Những cô dâu trẻ con đang trở thành nô lệ cho một số nhóm khủng bố tàn bạo nhất trên thế giới. Các em thường bị buộc phải kết hôn với những kẻ nổi dậy đã giết chết chính cha mẹ của các em".
Bên cạnh nguyên nhân bị bắt cóc, nhiều bé gái phải tảo hôn chỉ để trao đổi một món hàng. Một trong những trường hợp tảo hôn đau lòng nhất được ghi nhận từ trước đến nay là trường hợp của một bé gái 6 tuổi, người Afghanistan. Em đã buộc phải kết hôn với một người đàn ông lớn hơn mình tới 40 tuổi chỉ để đổi lấy 1 con dê. Đau lòng hơn, chắc chắn đây không phải là trường hợp đầu tiên khi mà tại đất nước này người ta vẫn hay dùng những cô gái nhỏ như một phương tiện để giải quyết tranh chấp và đổi chác.
Tại vùng nông thôn ở Tanzania, các bé gái cũng phải chịu chung số phận khi luôn bị mặc nhiên trở thành một món hàng để giao dịch thay cho tiền mặt hay những con vật.
Có nhiều nguyên nhân khiến các bé gái phải lấy chồng khi tuổi đời còn rất nhỏ. |
Ngoài ra, đôi khi các cuộc tảo hôn còn là do các bé gái tự nguyện theo phong tục hay tín ngưỡng bản địa. Cô bé Syria Sahar, đến từ Lebanon, là một điển hình. Sahar đã kết hôn với một người đàn ông 20 tuổi khi em mới 13 và mang thai đứa con đầu lòng chỉ một năm sau đó.
Chia sẻ với tổ chức từ thiện Cứu trợ nhi đồng, Syria Sahar cho biết: "Ngày cưới, em cứ tưởng tượng đó sẽ là một ngày tuyệt vời, nhưng sự thực không phải như vậy. Nó chỉ toàn là đau khổ và nỗi buồn. Hiện tại, em giống như là một đứa trẻ đang nuôi một đứa trẻ vậy".
Cuộc sống nhọc nhằn đã khiến Sahar thay đổi hoàn toàn quan niệm về cuộc sống hôn nhân trước đó. Bây giờ, Sahar muốn khuyên tất cả các cô gái khác rằng nên đợi ít nhất là cho đến 20 mới nên kết hôn. Em tin rằng một tuổi thơ được sống hồn nhiên là điều vô cùng quan trọng hơn.
Tại Yemen, chính quốc hội đã từng bãi bỏ chính sách quy định tuổi kết hôn hợp pháp và cho rằng cha mẹ nên tự quyết định khi nào con gái của mình nên kết hôn. Vì vậy, tại đây cứ mỗi 2 giây, là lại có một cô gái dưới 18 tuổi kết hôn.
Cứ 7 giây lại có 1 bé gái dưới 15 tuổi phải kết hôn
Kirsty McNeill, Giám đốc Chính sách và Chiến dịch của tổ chức Cứu trợ nhi đồng cho biết: "Trong năm 2017, sẽ có hơn 12.000 cô gái trẻ bị buộc phải kết hôn. Theo tính toán, cứ 7 giây, lại có một cô bé phải lấy chồng. Và thường những cô bé này đều kết hôn vì bị ép buộc và phải lấy người hơn các em ít nhất 10 tuổi. Thay vì vui chơi và học tập, các bé gái không may mắn sẽ bị đánh cắp cả tuổi thơ hồn nhiên, đôi khi là cả mạng sống".
Tảo hôn không chỉ làm tổn thương tinh thần mà nó còn khiến cơ thể của các bé gái bị tàn phá nặng nề, thậm chí là mất mạng. |
Tảo hôn không chỉ là một kiểu phân biệt đối xử mà nó còn là hành động gây chết người. Bởi lẽ các bé gái thường xuyên phải chịu đựng bạo lực về cả về thể chất lẫn tình dục - đau đớn hơn, những đau đớn đó lại bị cả gia đình và cộng đồng quay lưng.
Cả thế giới từng rúng động khi một 'cô dâu' mới chỉ 8 tuổi ở Yemen đã phải chịu cái chết thảm thương vì chảy máu trong ngay trong đêm tân hôn, sau khi buộc phải kết hôn với một người đàn ông đáng tuổi ông của em.
Cô Kirsty cho biết: "Cơ thể của những cô dâu trẻ chưa phát triển đầy đủ để sẵn sàng cho việc quan hệ tình dục cũng như mang thai. Sinh sản chính là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra cái chết của trẻ em gái tuổi vị thành niên".
Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng cho biết họ đã lập ra một bảng xếp thứ tự về tình trạng tảo hôn, giáo dục thanh thiếu niên về việc mang thai, cũng như tỷ lệ tử vong của các bà mẹ. Kết quả cho thấy Nigeria, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Somalia là những quốc gia có tình trạng tồi tệ nhất trên tổng số 144 quốc gia.
Cộng đồng quốc tế vẫn đang ra sức nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn vào năm 2030 nhưng nếu xu hướng tăng này vẫn tiếp tục, tổng số bé gái phải kết hôn sẽ tăng tử con số hơn 700 triệu hiện nay lên khoảng 950 triệu vào năm 2030 và 1,2 tỷ vào năm 2050.
Khó khăn trong giáo dục
Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng cho biết: "Số lượng bé gái không được tiếp cận với giáo dục lớn hơn gấp 2 lần số bé trai. Nhà trường cũng thường xuyên đuổi học những bé gái khi các bé lập gia đình hoặc đang mang thai. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc để đảm bảo các bé gái được tiếp tục học ở trường thay vì làm đám cưới - ít nhất là cho đến khi họ đủ tuổi để tự quyết định việc kết hôn của mình. Chúng tôi cũng cố gắng tạo ra một môi trường an toàn cho các bé gái vì các bé rất dễ bỏ học để kết hôn. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các bé gái có đầy đủ kiến thức về sức khỏe để có thể tự phòng tránh thai và có một cơ hội phát triển tốt hơn".
Việc giáo dục các bé gái đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng còn gặp nhiều khó khăn. |
Từ góc nhìn của một cô gái trẻ từng bị ép kết hôn, cô Tamera, đến từ Ethiopia, hiện làm việc tại tổ chức từ thiện Cứu trợ Nhi đồng cho biết: "Tôi đã bị ép cưới khi mới 12 tuổi vì gia đình không thể chăm sóc tôi được nữa. Tôi hoàn toàn không hạnh phúc khi kết hôn ở tuổi đó. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi không thể nào làm quen nổi với những gì được gọi là một cuộc hôn nhân. Khi tôi mang thai chồng tôi đã bỏ tôi. Tôi đã sinh con tại nhà thay vì đến một trung tâm y tế. Khi nhìn thấy con của tôi , tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Và với tất cả kinh nghiệm của mình, khi một ai đó cần tư vấn, tôi luôn khuyên họ không nên làm những gì mà tôi đã từng. Và tôi luôn nói rằng nếu một cô gái đi học, cô ấy sẽ có một cuộc sống tốt hơn".