Đại tá, PGS.TS Chu Anh Tuấn, Trường Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết, năm 2018 Bệnh viện đã khám và tiếp nhận trên 14.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân nội trú là 5.100 bệnh nhân, gần 4.500 bệnh nhân ngoại trú và 4.400 bệnh nhân trả tuyến trước. Bệnh nhân đến khám từ 56 địa phương trong cả nước, trong đó bệnh nhân đến từ Hà Nội chiếm tỷ lệ 45,6%.
“Có đến 44,8% bệnh nhân bỏng là trẻ em dưới 6 tuổi; người lớn từ 16-60 tuổi chiếm 41,8%. Bỏng nhiệt chiếm tỷ lệ cao nhất trên 85%, tiếp đó là bỏng điện cao thế và hạ thế chiếm gần 10%, bỏng hóa chất chiếm gần 2%...”, BS Tuấn cho hay.
Hiện nay, bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị vết thương bỏng như kỹ thuật lọc máu, kỹ thuật cắt hoại tử sớm; ghép da siêu nhỏ, mảnh lưới; thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật điều trị di chứng bỏng, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ...
Trong thời gian tới, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện cho biết, BV sẽ đầu tư đồng bộ cả về con người và trang thiết bị, trọng tâm là hồi sức cấp cứu, phẫu thuật tạo hình, phục hồi chức năng và điều trị liền vết thương, đồng thời thành lập thêm một số đơn vị để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị của người bệnh.
Để thực hiện Đề án 1816, công tác hỗ trợ, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới, theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, các tuyến cơ sở cần củng cố cơ sở vật chất phục vụ sơ cứu, cấp cứu bỏng; Phải có đồng bộ kíp kỹ thuật: bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa; Nắm vững các quy định về phân tuyến bỏng; Quy trình sơ cứu, cấp cứu và điều trị bỏng theo tuyến.