Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì?

HN
13/01/2023 - 00:10
Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì?
Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi nó có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

"Dịch bệnh béo phì" của châu Âu đang giết chết hơn 1,2 triệu người mỗi năm

Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi tháng 4/2022, bệnh béo phì ở châu Âu đã đạt đến "tỷ lệ dịch bệnh", gây ra ít nhất 200.000 ca ung thư và 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm.

Báo cáo cho biết gần 1/3 trẻ em và 59% người lớn ở châu Âu bị thừa cân hoặc sống chung với bệnh béo phì. Các bé trai có khả năng bị thừa cân hoặc béo phì cao hơn một chút so với các bé gái.

Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì? - Ảnh 1.

Báo cáo về béo phì khu vực châu Âu của WHO cho biết, thừa cân hoặc béo phì cũng là "kẻ giết người" lớn thứ tư ở châu Âu, chiếm khoảng 13% tổng số ca tử vong.

Cũng trong báo cáo, giám đốc WHO Châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri Kluge cho biết: "Những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng gặp phải những hậu quả nghiêm trọng như COVID-19, bao gồm cả việc nhập viện và tử vong tại phòng chăm sóc đặc biệt.

WHO mô tả béo phì giống như "dịch bệnh" vì tốc độ người gặp phải vấn đề này tăng nhanh và tăng với số lượng lớn.

Đâu là nguyên nhân gây ra "đại dịch" béo phì?

Tiến sĩ Hans Henri Kluge nói rằng: Phong tỏa, đóng cửa trường học và làm việc từ xa cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ béo phì ở châu Âu.

Nhưng một số yếu tố xã hội và lối sống lâu dài cũng là tác nhân khiến người châu Âu có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì.

Đồng tác giả của báo cáo Julianne Williams, cán bộ kỹ thuật của WHO về các bệnh không truyền nhiễm, cho biết: "Chúng ta sống trong những môi trường dễ dàng tiếp cận với thực phẩm ngon và rẻ, đồng thời cũng dễ dàng ngồi một chỗ cả ngày". Ví dụ như con cái của chúng ta chìm trong thế giới kỹ thuật số ngày càng nhiều và tiếp xúc không ít với quảng cáo. Ngay cả khi chơi trò chơi điện tử, chúng cũng thấy quảng cáo về thực phẩm giàu chất béo, đường và muối... Đó là một yếu tố rủi ro khác liên quan đến mức độ béo phì cao hơn.

Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì? - Ảnh 2.

Béo phì đã cũng trở thành "đại dịch" ở Mỹ

Theo thông tin đưa trên trang y tế của bang New York (Mỹ), béo phì đã trở thành đại dịch ở bang New York và trên toàn nước Mỹ. Béo phì, thừa cân có thể sớm vượt qua thuốc lá và trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Béo phì cũng liên quan đến suy giảm chức năng miễn dịch, giảm dung tích phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19. Người béo phì có nguy cơ nhập viện do nhiễm COVID-19 cao gấp 3 lần so với những người khác và khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên, nguy cơ mắc bệnh tử vong do COVID-19 cũng tăng lên.

Thất bại trong cuộc chiến chống béo phì đồng nghĩa với tử vong sớm và tàn tật. Thừa cân và béo phì gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm: Bệnh tiểu đường loại 2; Bệnh tim; Cholesterol cao; Huyết áp cao; Đột quỵ; Một số dạng ung thư; Hen suyễn; Thoái hóa khớp;

Nhiều bệnh trong số này trước đây chỉ liên quan đến tuổi trưởng thành thì ngày nay cũng xuất hiện ở trẻ em thừa cân và béo phì. Cùng với nguy cơ mắc các bệnh mãn tính rút ngắn tuổi thọ, tình trạng thừa cân còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một người vì nó gây ra tâm lý xấu hổ, tự ti và trầm cảm của người đó.

Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì? - Ảnh 3.

Béo phì tăng nhanh tại Việt Nam

Theo thông tin đưa tại hội nghị tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức vào tháng 11/2022, tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cảnh báo, tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ... làm giảm chất lượng cuộc sống. Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì? - Ảnh 4.

Phòng chống béo phì cách nào?

Thực tế là dịch bệnh béo phì không bùng lên khắp các quốc gia như một đám cháy rừng - nó âm ỉ và sau đó tăng chậm từ năm này qua năm khác. Điều này đã khiến cho việc chống lại béo phì ngày càng khó khăn hơn.

Về nguyên tắc, để phòng chống béo phì cần có sự nỗ lực của cả cá nhân và các tổ chức xã hội cũng như chính sách của các quốc gia. WHO khuyến nghị các chính phủ hạn chế "sự gia tăng của các cửa hàng bán đồ ăn mang đi ở các khu dân cư có thu nhập thấp"; Khuyến nghị cho con bú sữa mẹ, cải thiện việc ghi nhãn thực phẩm dành cho trẻ em; Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh như một cách để chống biến đổi khí hậu, cũng như cung cấp nhiều quyền tiếp cận hơn đối với các chương trình phúc lợi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc phòng chống béo phì như:

- Chọn thực phẩm và đồ uống lành mạnh. Các thực phẩm lành mạnh nên được lựa chọn là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, chất béo lành mạnh và nguồn protein.

- Hạn chế thực phẩm và đồ uống không lành mạnh như ngũ cốc tinh chế và đồ ngọt, khoai tây, thịt đỏ, thịt chế biến và đồ uống có đường.

- Tăng hoạt động thể chất.

- Giới hạn thời gian "ngồi một chỗ".

- Cải thiện giấc ngủ.

- Giảm căng thẳng.

Béo phì đang trở thành "dịch bệnh", chuyên gia khuyến cáo gì để không bị béo phì? - Ảnh 5.

"Kết hợp thói quen ăn uống lành mạnh với hoạt động tích cực hơn, chẳng hạn như đi dạo vào giờ ăn trưa thay vì ngồi tại bàn làm việc ở nhà hoặc nơi làm việc, có thể chống lại nguy cơ tăng thêm cân. Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển một loạt bệnh mãn tính như bệnh tim, một số bệnh ung thư và bệnh tiểu đường loại 2", Colette Brolly, trưởng nhóm Phòng chống Béo phì tại Cơ quan Y tế Công cộng Hoa Kỳ (PHA) cho biết.

Còn với trẻ nhỏ, các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ dưới hai tuổi chưa cần cân nhắc chẩn đoán thừa cân bởi hầu hết trẻ bụ sữa, chưa ảnh hưởng sức khỏe. Trẻ trên hai tuổi nếu bị béo phì, cần chẩn đoán và can thiệp, nhưng việc điều trị cần chú ý không phải trường hợp nào cũng can thiệp bởi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Việc điều trị thừa cân béo phì ở trẻ phải phối hợp nhiều phương pháp như lượng thức ăn, giấc ngủ, học tập và hoạt động cân đối...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm