Bếp thất sủng, bình gas về đâu?

25/09/2015 - 16:23
Phần lớn người dân ở các vùng đô thị nấu nướng bằng gas. Nhưng một khi có điều kiện để ‘thoát ly’ khỏi những bình gas với nỗi lo sợ cháy nổ, thì không ít ‘khổ chủ’ lại gặp điều khó chịu từ phía các đại lý gas…

Gia đình một người bạn tôi sống tại quận 2, TPHCM đã sử dụng bếp gas từ mười mấy, hai chục năm nay, và chỉ trung thành với một loại gas mang nhãn hiệu Shell (hiện nay đã đổi tên thành Siam Gas). Gần đây, vì lo sợ những tai nạn cháy nổ bình gas, mà họ quyết bỏ hàng chục triệu đồng để mua một bộ bếp hồng ngoại xuất xứ châu Âu. Đương nhiên, khi bộ bếp dùng điện này xuất hiện thì bộ bếp gas bị “thất sủng”. Chiếc bếp gas Rinnai trước đây mua mấy triệu bị dỡ ra cho người em, còn bình gas thì anh chị gọi điện yêu cầu đại lý gas Tiên Thanh (đường Xuân Thủy, phường Thảo Điền, quận 2, nơi cung cấp bình gas này cho gia đình họ) vào để giao trả và “xin” nhận lại tiền thế chân. Thế nhưng, không giống như những lần gọi điện để “đổi bình gas” trước đây, nhân viên đại lý tiếp nhận cuộc điện thoại với thái độ hờ hững, và để khổ chủ phải… đợi dài cổ.

Khi khách hàng mua bình gas mới thì nhiều đại lý nhanh nhảu mang hàng tới, thu tiền, nhưng khi khách hàng không sử dụng nữa thì họ tìm mọi cách để lẩn tránh. Ảnh minh họa: internet

Chờ đúng 1 tuần không thấy đại lý vào lấy bình gas, chị vợ quyết định ra tận nơi để hối thúc. Lần này, đích thân chủ đại lý gặp và hứa hẹn “sẽ vào để nhận bình gas trong vòng 1 tiếng” (không nghe thấy đả động đến chuyện hoàn lại tiền thế chân bình gas cho khách hàng).

Nhưng rồi, 1 tuần nữa lại trôi qua, chiếc bình gas màu xanh ngọc vẫn nằm yên trước thềm nhà, chẳng ai đoái hoài đến. Bực mình, chị tìm đến một đại lý gas khác - Á Châu (đường 47, phường Thảo Điền, vốn cũng là nơi từng cung cấp gas cho nhà chị), hỏi xem có chịu thâu lại chiếc vỏ bình không? Người phụ trách đại lý này ra giá: “150.000 đồng! Vì vỏ bình này không phải của đại lý tôi!”. Chị ức quá nhưng không biết làm sao.

Về nhà, chị lật đi lật lại chiếc bình gas, và nhìn dòng chữ khắc chìm: “Vỏ bình này là tài sản của Shell Gas”. Thế rồi, chị thắc mắc: Là tài sản của hãng, có nghĩa là bất cứ đại lý nào cũng có thể thu lại và sau đó hoàn trả lại cho hãng, chứ tại sao lại có chuyện đại lý “chính chủ” lần lữa, rồi đại lý khác lại chỉ mua rẻ vì cho rằng “không chính chủ”? Nhưng ấy là chị tự hỏi mình, và tự tìm câu trả lời mà theo chị là thỏa đáng nhất: Các đại lý gas không sòng phẳng với khách hàng. Khi khách hàng mua bình gas mới thì họ nhanh nhảu mang hàng tới, nhanh nhảu thu tiền thế chân; còn khi khách hàng không sử dụng nữa thì họ tìm mọi cách để lẩn tránh.

Đây không là chuyện cá biệt. Rất nhiều khách hàng sử dụng gas cũng từng gặp tình trạng tương tự. Họ cho rằng, một khi đã đặt tiền thế chân bình gas cho đại lý thì coi như… mất trắng, đừng hy vọng lấy lại. Đặc biệt, thời gian qua thị trường gas ở TPHCM xáo trộn, rất nhiều đại lý vì những lý do khác nhau mà không tiếp tục kinh doanh gas, nhiều đại lý mới mọc lên tiếp quản địa bàn của các đại lý cũ, rồi nhiều đại lý thay đổi nguồn gas từ hãng này sang hãng khác… khiến cho nhiều khách hàng buộc phải chuyển từ những đại lý cũ sang các đại lý mới, hoặc thay đổi cả đại lý cả nhãn hiệu gas. Theo đó, rất nhiều hợp đồng thế chân vỏ bình gas với những đại lý cũ (có thể đến giờ đã bị “xóa tên”) trở nên “vô giá trị”, các vỏ bình gas cũng vì thế mà trở thành… “vô chủ” - mặc dù trên thực tế chủ nhân đích thực của chúng vẫn còn tồn tại, chính là các hãng gas.

Lối làm ăn thiếu sòng phẳng này không chỉ khiến khách hàng bị mất một khoản tiền - dù không quá lớn, nhưng cũng đủ gây cho họ sự “khó chịu”, mà còn làm cho nhiều đại lý gas mất uy tín, hình ảnh trở nên “xấu xí” trong mắt khách hàng. Và càng khiến cho thị trường gas vốn đã nhộn nhạo, càng trở nên lộn xộn, bát nháo hơn!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm