Samar - Một thiếu phụ 35 tuổi người Syria vừa đoàn tụ với 3 người con tại Berlin đã chia sẻ nỗi đau cô từng trải qua: “Những phụ nữ tị nạn như tôi chỉ có hai cách để trả bọn buôn người, một là tiền, hai là tình dục. Khi chồng tôi hết tiền để trả cho bọn buôn người ở Bulgaria, hắn lấy tôi làm món hàng trao đổi. Suốt 3 tháng, tôi bị cưỡng hiếp hàng ngày. Thế nhưng, chồng tôi cho rằng tôi “hủy hoại danh dự gia đình” nên thường xuyên đánh đập. Tôi cũng đã từng từ chối hành vi gạ gẫm của một cai ngục ở Hungary nên bị đánh đập dã man. May mắn đã đến khi tôi xin được quy chế tị nạn và sống với các con ở Berlin để từng ngày qua đi, tôi cố quên đi quá khứ ám ảnh”.
Cô Samar cùng 3 con gái 2 tuổi, 8 tuổi và 15 tuổi được hưởng quy chế tị nạn ở Đức
Không chỉ có Samar, hàng nghìn phụ nữ khác cũng chung số phận như vậy. Bác sĩ tâm lý Susanne Höhne ở trung tâm chăm sóc phụ nữ tị nạn tại Berlin cho biết 44 phụ nữ tại đây đều bị tấn công tình dục. Có nhiều trường hợp phụ nữ tị nạn bị cướp hết tiền và bị bọn buôn người cưỡng hiếp. Xót xa trước những số phận không may đó, bà Höhne đã cùng 18 nhân viên công tác xã hội đã dành cho họ mỗi tuần 2 buổi trị liệu tâm lý để giúp họ sớm hòa nhập cuộc sống mới ở Đức.
Hành trình tị nạn đầy nguy hiểm của phụ nữ và trẻ em Syria
Theo khảo sát của Liên hợp quốc, số lượng nam giới cao gấp ba lần nữ giới trong dòng người di cư và tị nạn vào châu Âu. Thế nhưng, tại Hy Lạp - cửa ngõ vào châu Âu, các trung tâm tiếp nhận người tị nạn thường quá đông, thiếu ánh sáng và chỗ riêng tư cho phụ nữ. Chuyên gia William Spindler của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết phụ nữ, nam giới và trẻ em phải ngủ cùng nhau. Tại đây phụ nữ phải mặc quần áo kín mít khi ngủ, không sử dụng nhà vệ sinh vào ban đêm vì sợ bị cưỡng hiếp hay cướp bóc. Thậm chí ngay cả ban ngày, phụ nữ cũng không dám ra khỏi lều trú ngụ, bởi nguy hiểm luôn rình rập họ. Đặc biệt là những phụ nữ di cư một mình hoặc có con nhỏ.
Một phụ nữ không dám ngủ trong trại tị nạn ở Budapest, Hungary
Theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), gần 1 triệu người di cư và tìm kiếm tị nạn chủ yếu đến từ các nước có chiến tranh và nghèo đói như Syria, Afghanistan and Iraq đã tới châu Âu trong năm 2015 với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tổng cộng có 3.771 người đã thiệt mạng trên hành trình vượt qua Địa Trung Hải để di cư và tị nạn trong năm 2015 - đánh dấu năm bi thương nhất trong lịch sử đối với người di cư vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Năm 2016, cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn châu Âu dự báo sẽ còn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. |