Bi kịch của trẻ em tị nạn tại Anh

Nhu Thụy
30/03/2023 - 14:02
Bi kịch của trẻ em tị nạn tại Anh

Trẻ em tị nạn dễ bị bắt cóc

Nhân viên tại một tổ chức từ thiện của người Albania ở phía Đông London (Anh) gần đây đã giúp đỡ một cậu bé 16 tuổi vượt biển bằng thuyền vào Anh năm 2022. Em được đưa vào một khách sạn của Bộ Nội vụ Anh, sau đó bị những kẻ buôn người bắt cóc để làm việc trong một trang trại cần sa ở Leeds.
Mất tích bí ẩn tại khách sạn

Cậu bé kể trên là một trong số 15.000 người Albania đã đến Anh bằng thuyền năm 2022.

Theo báo New York Times, khoảng 200 trẻ vị thành niên không có người đi cùng - chủ yếu là thanh thiếu niên Albania - đã mất tích khỏi các khách sạn mà các em đang ở, trong lúc các em chờ quyết định của Anh về đơn xin tị nạn.

Chính Bộ trưởng Nhập cư Anh Robert Jenrick đã xác nhận rằng, trong số 4.600 trẻ em xin tị nạn đã đến Anh kể từ năm 2021, có 440 em đã mất tích và chỉ khoảng một nửa trong số đó trở về. 

Khoảng 200 trẻ em đã mất tích tại các khách sạn ở Anh kể từ tháng 7/2021. Những khách sạn này do Bộ Nội vụ Anh quản lý. Phần lớn những người mất tích là công dân Albania (chiếm 88%). 12% số trẻ mất tích còn lại đến từ Afghanistan, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan... 

Bi kịch của trẻ em tị nạn tại Anh - Ảnh 1.

Nhiều người xuống đường ở Brighton (Anh) yêu cầu chính phủ nước này cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho trẻ em tị nạn

Ông Jenrick nhấn mạnh, do số vụ người di cư vượt eo biển Manche đến Anh gia tăng, Chính phủ nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các khách sạn đặc biệt để tiếp nhận trẻ vị thành niên kể từ tháng 7/2021. Một số quan chức tin rằng, nhiều trẻ xin tị nạn mất tích ở Anh đã bị các băng nhóm tội phạm bắt và lợi dụng.

Còn cuộc điều tra của báo The Observer về một khách sạn ở khu vực Sussex thuộc miền Nam nước Anh tiết lộ rằng: Trong số khoảng 600 trẻ xin tị nạn dưới 18 tuổi không có người đi cùng trong 18 tháng qua, có 136 trẻ đã mất tích.

Tại các khách sạn cho người tị nạn ở thành phố Brighton mới đây cũng đã xảy ra vụ việc 222 trẻ tị nạn đã bị bắt cóc khỏi nơi các em và gia đình đang trú ngụ. Đa phần các trẻ bị bắt cóc nằm trong độ tuổi 13-16 và đến từ Albania. 

Cảnh sát mới chỉ tìm thấy và đưa về gia đình 60 trẻ. Nhiều em cho biết, mình đang đi bộ trên đường thì bị những người đàn ông lạ mặt bắt đi và chở đến những ngôi nhà để chờ đến ngày bị bán lại cho người khác.

Trước các vụ mất tích nói trên, những người ủng hộ quyền trẻ em kêu gọi bảo vệ trẻ em tốt hơn và đòi các nhà lập pháp Anh khắc phục vấn đề. Những đứa trẻ mất tích này nằm trong số hàng chục nghìn người đến Anh bằng những chiếc thuyền nhỏ sau khi băng qua eo biển Manche trong những năm gần đây.

Bộ Nội vụ Anh cho biết, họ đã áp dụng "các thủ tục bảo vệ mạnh mẽ" và khi một đứa trẻ mất tích, chính quyền địa phương sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, gồm cả cảnh sát, để khẩn trương xác định tung tích của đứa trẻ.

Đích ngắm buôn bán "nô lệ" thời hiện đại

Theo Quỹ Trẻ em & Vị thành niên (TACT), một tổ chức từ thiện hoạt động vì quyền trẻ em, đa số nạn nhân bị buộc trở thành "nô lệ": "Ở các trung tâm công nghiệp như Sheffield, Bristol và Milton Keynes, có không ít cơ sở sản xuất đang sử dụng trẻ em bị bắt cóc làm nhân công. Họ sẵn sàng phạm luật chỉ để không phải trả thêm vài bảng mỗi tiếng cho người lớn làm... 

Bi kịch của trẻ em tị nạn tại Anh - Ảnh 3.

Người Albania đến Anh bằng thuyền

Các cơ sở sản xuất bắt đầu sử dụng lao động ngoại quốc với giá rẻ kể từ khi Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nới lỏng các quy định lao động và mở cửa biên giới cho người nước ngoài đến từ những quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). 

Brexit và sau đó là đại dịch Covid-19 khiến cho số người châu Âu muốn đến Anh làm việc giảm rất mạnh. Điều này lại càng khiến tội phạm bắt cóc thêm nhiều trẻ tị nạn, sau đó bán đi làm lao động khổ sai".

Các nguồn tin từ cảnh sát Anh cho biết, có một sợi dây liên kết giữa trẻ em bị bắt cóc và những cơ sở sản xuất hàng giả. Thanh tra Neil Blackwood, chỉ huy Chiến dịch Vulcan của cảnh sát Anh nhằm chống hàng giả, cho biết: 

Bi kịch của trẻ em tị nạn tại Anh - Ảnh 4.

Cách truyền tin của bọn buôn người ở các trại tị nạn

"Các băng nhóm tội phạm có thể bắt cóc 20-30 trẻ em cùng một lúc. Thường chúng có "tay trong" trong các tổ chức đưa người tị nạn vượt biển trái phép lẫn đội ngũ phục vụ khách sạn nơi người tị nạn ở... 

Rất nhiều trẻ em tị nạn sẽ được đưa đến Cheetham Hill để lao động trong những cơ sở làm hàng giả. Mỗi cái túi xách, dây lưng hay son môi không rõ xuất xứ trên thị trường có thể có dấu tay của trẻ em bị bắt cóc".

Ardur (25 tuổi) cho biết, 8 năm trước, khi anh 17 tuổi, anh không muốn xa cha mẹ và anh chị em nhưng một cuộc tranh chấp giữa gia đình anh và một gia đình khác ở ngôi làng phía Bắc Albania trở nên căng thẳng. Sợ rằng anh sẽ trở thành mục tiêu tấn công, cha anh đã trả tiền để đưa anh vào Anh. 

Đơn xin tị nạn của anh đã bị từ chối nhưng thay vì trở về nhà, anh làm chui ở London. Anh vật vờ nhiều tháng sống và làm việc tại một tiệm rửa xe, ngủ trong khu vực nhà để xe, giữa những hóa chất, kiếm được 10 bảng mỗi ngày. 

Sau đó, anh làm việc trên các công trường xây dựng. Năm 2020, anh đã kháng cáo phán quyết xin tị nạn của mình nhưng vẫn đang chờ quyết định. Trường hợp của Ardur là 1 trong 166.000 hồ sơ xin tị nạn tồn đọng của Bộ Nội vụ.

Kể từ đầu năm ngoái, trong tổng số 44.000 người di cư bất hợp pháp đến Anh, khoảng 15.000 người Albania đã vượt qua eo biển Manche, ranh giới giữa Pháp và Anh. Trong số những người Albania đến Anh, trong 85% người xin tị nạn thì có khoảng 12% cho biết, họ là nạn nhân của chế độ "nô lệ" hiện đại. 

Những người Albania mới đến phải tham gia các lớp học ngôn ngữ và các buổi tư vấn, sử dụng ngân hàng thực phẩm. Một số người từng bị bạo lực gia đình hoặc chạy trốn hôn nhân ép buộc đã nhận được sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên. Họ cũng hỗ trợ những phụ nữ bị buôn bán làm gái mại dâm.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, không có người Albania nào được cấp quy chế tị nạn năm 2022. Có 87% trong số họ là phụ nữ, 11% nam giới đã đến Anh bằng thuyền nhỏ. Sự gia tăng lượng người tị nạn đến từ Albania đạt đỉnh điểm từ tháng 7 đến tháng 9/2022 khi 45% số người đến bằng thuyền nhỏ là người Albania. 

Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, con số này giảm xuống 9% và công dân Afghanistan tăng lên, chiếm 33% tổng số người tị nạn.

Nguồn: Guardian, The Observer, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm