Ngày Tị nạn thế giới 2021: Mang trái tim yêu thương đến các phận người

Nhu Thụy
20/06/2021 - 13:44
Ngày Tị nạn thế giới 2021: Mang trái tim yêu thương đến các phận người

Phụ nữ và trẻ em Syria trong trại tị nạn

Nhân kỷ niệm ngày Tị nạn Thế giới (20/6), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số lượng người di cư và tị nạn trên thế giới đã vượt ngưỡng 82,4 triệu người. Cần bảo vệ và hỗ trợ họ, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sức mạnh của hòa nhập

Chủ đề của Ngày Tị nạn thế giới năm nay là sức mạnh của hòa nhập và làm như thế nào để người tị nạn có thể đóng góp cho xã hội. Theo UNHCR, hỗ trợ người tị nạn hòa nhập sâu rộng vào xã hội sở tại chính là cách để giúp họ có thể đóng góp cho xã hội.

Người tị nạn

Nữ nghệ sĩ người Canada gốc Afghanistan Hangama Amiri thiết kế một biểu tượng có hình trái tim màu xanh thể hiện tình cảm với người tị nạn

Nhân kỷ niệm ngày Tị nạn thế giới (20/6), UNHCR, Ủy ban về người tị nạn LHQ và mạng xã hội đã cùng nhau thiết kế một biểu tượng có hình trái tim màu xanh được đặt ở giữa hai bàn tay, nhằm biểu thị ý tưởng về sự bảo vệ và đoàn kết đối với người tị nạn.

Việc thiết kế biểu tượng được giao cho nữ nghệ sĩ người Canada gốc Afghanistan Hangama Amiri. Cô là hiện thân của những người tị nạn được hòa nhập thực sự vào xã hội sở tại. Khi còn sống ở Tajikistan, cô đã nhận được học bổng sau khi đoạt giải một cuộc thi vẽ tranh do UNHCR tổ chức.

Thông qua vẽ tranh, cô Hangama Amiri đã cảm nhận được sự an toàn và xây dựng cảm xúc về mọi thứ xung quanh. Sau này khi chuyển tới Canada sinh sống, nhiều bức tranh do cô vẽ đã gây tiếng vang và được triển lãm tại nhiều nước trên thế giới.

Việc giao thiết kế cho cô Hangama Amiri chính là để lan tỏa câu chuyện về cuộc đời của người nghệ sĩ này tới thế giới, tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người, cũng như nâng cao nhận thức và thể hiện sự đoàn kết đối với cộng đồng người tị nạn trên khắp thế giới.

Người tị nạn

Sức mạnh của hòa nhập

Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho rằng: "Giúp người tị nạn hòa nhập là một khái niệm rộng, không chỉ bao hàm việc giúp họ tiếp cận với hệ thống giáo dục và y tế mà đòi hỏi phải giúp họ kết nối với cả cộng đồng trên nhiều phương diện. Chúng ta có thẻ định danh công dân, chúng ta có thể đăng nhập vào mạng internet, chúng ta có được thẻ ngân hàng. Nếu chúng ta không có những yếu tố này, mọi thứ sẽ trở lên khó khăn, đặc biệt là đối với người tị nạn. Họ sẽ không có hy vọng, không có những công cụ để hòa nhập vào xã hội".

Nỗi đau từ khủng hoảng tị nạn

Theo báo của của UNHCR, hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của các cuộc xung đột. Đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột đã gây nguy hiểm cho việc bảo vệ người tị nạn. Điều kiện sống khó khăn, phân biệt đối xử, kỳ thị, hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản và dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi hy vọng cuối cùng của họ về một tương lai tốt đẹp hơn. Trước thực tế này, UNHCR tiếp tục kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế khi xây dựng các gói cứu trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng của đại dịch, cần lưu ý tới người tị nạn, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Người tị nạn

Từng đoàn người tị nạn ở Trung Đông tìm miền đất hứa châu Âu

UNHCR cho biết chiến tranh, bạo lực và vi phạm nhân quyền đã khiến gần 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2020 khi nhiều biên giới đóng cửa vì đại dịch. Trong báo cáo Xu hướng toàn cầu vừa công bố, UNHCR cho biết tổng số người tha hương đã tăng lên 82,4 triệu - gần bằng dân số của Đức. Con số đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp mà số người bị cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa tiếp tục gia tăng.

Xung đột và tác động của biến đổi khí hậu ở những nơi như Mozambique, khu vực Tigray của Ethiopia và khu vực Sahel rộng lớn của châu Phi là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cuộc di dân của người tị nạn và người di cư nội địa vào năm 2020.

Trong những năm trước đây, hàng triệu người đã bỏ chạy khỏi các quốc gia như Syria và Afghanistan do những cuộc chiến tranh hoặc giao tranh kéo dài. Trong số các điểm nóng gần đây, hàng trăm nghìn người phải di tản ở Mozambique và Sahel năm 2020, cùng khoảng 1 triệu người khác trong cuộc xung đột Tigray bắt đầu vào tháng 10/2020.

Báo cáo cho biết vào cuối năm 2020, 5,7 triệu người Palestine, 3,9 triệu người Venezuela và thêm 20,7 triệu người tị nạn từ nhiều quốc gia khác đã di cư ra nước ngoài. Trong khi đó, 48 triệu người di tản trong nội bộ quốc gia của họ. Khoảng 4,1 triệu người đang xin tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ, một nước láng giềng của Syria, tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới với con số 3,7 triệu - nhiều gấp đôi so với quốc gia đứng thứ hai là Colombia - nơi giáp với Venezuela. Nước láng giềng Pakistan của Afghanistan đứng thứ ba.

UNHCR cho biết, hiện nay 1% nhân loại phải di dân và số người rời bỏ nhà cửa đã tăng gấp đôi so với một thập niên trước. Khoảng 42% trong số họ dưới 18 tuổi và gần 1 triệu trẻ sơ sinh tị nạn chào đời từ năm 2018 đến năm 2020.

Khu trại Al-Hawl là nơi có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em Syria, Iraq… đang tìm cách trốn khỏi đất nước bằng con đường tị nạn. Lúc cao điểm, khu trại này từng là nơi chứa hơn 70.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em (chiếm 94%), trong đó có 34.000 trẻ em dưới 12 tuổi. Mất an ninh lương thực đang làm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng cao, trong đó có tới 34% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Chúng ta đã chứng kiến năm 2019, sự việc thi thể 39 người Việt trong container vượt biên trái phép tại Anh. Hay 11 người châu Phi đắm thuyền chết trên đường đến "vùng đất hứa châu Âu" ngày 11/10/2020. Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã vớt được 8 thi thể là phụ nữ, 3 thi thể là trẻ em ngoài khơi.

Ngày Tị nạn thế giới 2021: Mang trái tim yêu thương đến các phận người - Ảnh 5.

Theo thống kê của LHQ, số lượng người di cư chạy trốn khỏi Libya bằng đường biển đã tăng gần 300%. Tất cả những điều này khiến nhân loại thức tỉnh về một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất sau thế chiến thứ hai. Do đó, cần chú trọng đầu tư trong việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn như các cuộc xung đột, bạo lực, nội chiến, nghèo đói, bất bình đẳng, bất công, tham nhũng, buôn bán vũ khí, cạnh tranh cho các nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đây là điều cần thiết để giảm bớt số lượng người tị nạn ngày càng tăng.

* Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 400.000 người Việt Nam hiện đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, lao động nữ chiếm gần 40%.


* Báo cáo "Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam," do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho biết "nữ hóa lao động di cư vẫn tiếp tục duy trì và mặc dù xu hướng giảm song tình trạng nữ giới trong di cư luôn ở mức cao". Cụ thể, báo cáo chỉ ra tỷ lệ nữ giới di cư trong huyện từ mức 58,2% (năm 1999) tăng mạnh lên 63,6% (năm 2009) và giảm còn 59,3% (năm 2019). Song, tỷ lệ nữ giới di cư giữa các huyện từ mức 55% (năm 1999) tăng lên 56,6% (năm 2009) và tiếp tục duy trì đến năm 2019. Đối với di cư giữa các tỉnh, tỷ lệ nữ giới tăng từ 50% (năm 1999) lên 53,1% (năm 2009) và giảm nhẹ ở mức 52% (năm 2019).


* Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên (Hội LHPN Việt Nam): Cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới; 24,5% vụ việc liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư. Trong số 1.400 phụ nữ, trẻ em tạm lánh tại 3 Ngôi nhà Bình yên có 400 phụ nữ di cư quốc tế, trong đó 66.2% bị bóc lột tình dục, bị xâm hại tình dục; 13,46% phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động

Nguồn: AP, UNHCR
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm