'Bí kíp' của mẹ Việt vắt tặng gần 200 lít sữa

24/12/2015 - 08:37
Khi con gái được 9 tháng tuổi, chị Huỳnh Lan Chi (Q. Tân Bình - TP.HCM) đã hút và tặng hơn 200 lít sữa mẹ.

Ban đầu, chị Lan Chi đã lên kế hoạch vắt sữa làm sao để sau khi cho con bú no thì sẽ vắt lượng sữa dư để trong tủ cấp đông và dành nấu ăn dặm cho con.
Chị hiểu cơ chế: trong 6 tuần đầu, lượng sữa trong ngực mẹ vận hành theo kích thích của hormon tạo sữa. Các hormon này được tiết ra khi tinh thần mẹ thoải mái, con tiếp da mẹ nhiều giờ trong nhiều ngày, con nút ti mẹ nhiều lần trong ngày (10- 12 lần trong ngày), mẹ con cảm nhận được sự liên kết mẫu tử… Vì sinh mổ thời gian đợi gặp con lâu hơn các mẹ sinh thường, nên trong lúc đợi mẹ, ba Vĩnh đã sát khuẩn ngực để da tiếp da cho con. Bé Dâu Tây được ba tiếp da trong suốt 1 giờ liên tục. Sau khi chị Chi từ phòng hồi sức được đưa về, chị vệ sinh ngực cho bé tiếp da. Bé tự trườn tìm ti mẹ và bú ngay. Cho bé bú sớm sẽ giúp tuyến sữa hoạt động nhanh. Đến ngày thứ hai sau sinh, ngực chị căng và chảy đầy sữa non. Đủ cho con bú no. 

Dù chưa được bú no, ba mẹ Dâu Tây vẫn kiên quyết không cho con bú một giọt sữa công thức hay một giọt nước đường.

Những ngày sau đó, chị tích cực cho bé ti nhiều để kích thích “dây thần kinh số 4” tạo sữa. 10 ngày sau khi sinh, chị Chi bắt đầu kích sữa. Chị uống nhiều nước, từ 3 đến 3,5 lít mỗi ngày. Khi cho con ti xong, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau chị lại dùng máy để hút sữa vì sữa mẹ được “sản xuất” theo nguyên tắc “ngực trống lại đầy”.
Chị nhờ bạn mua giùm 1000 túi trữ sữa chuyên dụng và cũng mua một chiếc tủ cấp đông riêng để trữ sữa. Chị giải thích: “Nhiều mẹ thường để sữa mới vắt trong ngăn chứa thức ăn, nhưng cách này không đảm bảo tránh được vi khuẩn”.
Kết hợp song song cho con ti và hút sữa thường xuyên, cơ thể chị đã quen với nhịp cho nhiều sữa. Trong 4 tháng đầu, chị Lan Chi đã trữ được gần 200 túi sữa và trao tặng tới những em bé khác. Tới thời điểm này, khi bé Dâu Tây đã được hơn 9 tháng, số lượng sữa mà chị Chi vắt lên tới hơn 500 bịch, vào khoảng gần 200 lít sữa mẹ.


Chiếc tủ trữ đông sữa tại nhà chị Chi

Chị Lan Chi là thành viên của Hội Sữa Mẹ BeTiBuTi - cộng đồng của những ông bố bà mẹ “yêu sữa mẹ”. Tham gia Hội, chị biết được có rất nhiều bà mẹ muốn xin sữa. Có mẹ bị suy thận không thể cho con bú, nên bé của chị được mẹ Lan Chi cho sữa trong một thời gian dài. Có mẹ bị nang ngực chèn vào dây thần kinh tạo sữa nên không trực tiếp cho con bú.

Cho và nhận, các bà mẹ dần trở thành những người bạn thân. Khi bé của mẹ này lớn hơn, nguồn sữa sẽ được chia sẻ cho những bé khác.

Sau khi sinh con, chị Chi nghỉ việc ở nhà. Gọi là “ở nhà”, nhưng thời gian nghỉ ngơi vô cùng ít. Vì sau khi ôm và cho con bú mẹ, chị sẽ ru con ngủ rồi mới đi hút sữa. Nhưng có những khi, sữa về ướt áo mà con thì đang quấy khóc chưa chịu ngủ, cữ vắt bị lui lại sau 4- 4,5 tiếng đồng hồ.

Điều khiến chị Chi yên tâm là sự chia sẻ của ông xã Lê Văn Vĩnh. Anh Vĩnh hiện là giảng viên đại học. Anh cố gắng sắp xếp giờ làm việc phù hợp để chơi với con, dành thời gian cho vợ hút sữa.


Việc cho con bú kết hợp song song với hút sữa mẹ thực chất rất vất vả. Sau mỗi cữ hút, chị Chi vệ sinh bình sữa bằng nước chuyên dụng, rồi tiệt trùng, sấy khô. Chủ trương của chị Chi là, mình sẽ chia sẻ sữa cho tới khi nào “cạn sữa”.

Bé Dâu Tây rất ngoan, vui vẻ luôn là "động lực" lớn để mẹ Chi duy trì nghĩa cử hút sữa trao tặng

Chị Chi mong muốn, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ được hiểu đúng, được truyền thông đề cao và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Do được bú sữa mẹ, bé Dâu Tây có hệ miễn dịch tốt, bé khỏe khoắn và mấy tháng đã được mẹ cho xuống nước... tập bơi

Chị Chi cũng động viên các mẹ tích cực trao đổi, chia sẻ để có thêm cái nhìn đúng để con mình được bú 100% sữa mẹ vô giá thay vì sữa công thức ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và sức khỏe suốt đời của con mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm