pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bí quyết biến đám cưới trở nên độc lạ với một màn phá cách
Bình thường trong các hôn lễ, chúng ta thấy nghi thức cắt bánh, rót rượu vô cùng phổ biến. Tuy nhiên bây giờ, có hàng loạt những cách thức khác độc lạ hơn, bất ngờ hơn thay thế cho nghi thức này.
Hồi tháng 10/2022, nữ MC nổi tiếng Liêu Hà Trinh đã tổ chức hôn lễ. Nghi thức cắt bánh kem của cô và chồng được thay bằng việc trồng cây.
Qua hành động trên, cô ước mong hôn nhân ngày càng được vun đắp, tươi tốt mỗi ngày. Nó thật sự là một thay thế đặc biệt và đầy tính bất ngờ. Hơn nữa, nó cũng tạo nên sự phá cách cho đám cưới của cô dâu chú rể.
Ở Việt Nam và cả ở nước ngoài, chuyện thay thế nghi thức cắt bánh, rót rượu không phải hiếm. Hãy cùng điểm qua một vài gợi ý giúp cho bạn tạo điểm nhấn đặc biệt cho hôn lễ của bản thân mình như Liêu Hà Trinh nhé.
Những nghi thức đặc biệt trong đám cưới Việt Nam
1. Nghi thức rót cát
Cặp đôi lần lượt đổ cát màu từ những chiếc bình nhỏ sang bình lớn hơn hoặc đổ chung vào một chiếc khung tranh. Hai lọ cát chính là sự tượng trưng cho hai cá thể, cô dâu và chú rể hòa quyện vào nhau, thể hiện sự hòa hợp, gắn bó không thể tách rời.
Lọ cát hoặc khung tranh cát về sau có thể sử dụng để làm đồ trang trí trong ngôi nhà mới của cô dâu chú rể.
Ảnh minh họa.
2. Nghi thức góp gạo thổi cơm chung
Cặp đôi cô dâu chú rể cùng đổ gạo vào một chiếc hũ đựng được chuẩn bị sẵn. Hũ có thể được trang trí tùy theo ý thích của hai nhân vật chính.
Nghi thức góp gạo không chỉ cùng nhau đóng góp, chia sẻ vật chất mà còn cùng nhau vun đắp tình cảm, cảm xúc. Sự gắn bó ấy được thể hiện qua thứ đồ bình thường, không thể thiếu trong bất cứ tổ ấm nào.
Thổi cơm chung cũng mang ý nghĩa cùng nỗ lực để tạo ra nhiều giá trị cuộc sống cũng như giúp hai vợ chồng có thật nhiều của cải về sau.
3. Nghi thức in dấu vân tay
Trong hôn lễ, thay vì chuẩn bị bánh cưới và rượu thì người ta sẽ mang lên sân khấu một bức tranh kỷ niệm. Đó có thể là tranh mang ý nghĩa đặc biệt với cô dâu chú rể hoặc tranh được vẽ trong chính hôn lễ đang diễn ra. Sau đó, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau in dấu vân tay lên bức tranh dưới sự chứng kiến của nhiều người.
Điều này tượng trưng cho dấu ấn và màu sắc riêng của mỗi người được hòa quyện và cũng ước vọng về một cuộc sống hôn nhân thật sự hòa hợp bên nhau.
Với bức tranh, sự chuẩn bị sẽ dễ dàng và đơn giản hơn so với chọn bánh hay rượu. Sau đó, các bạn cũng có thể mang tranh về và treo trong tổ ấm của mình. Nó là đồ vật có thể cùng gắn bó với chúng ta rất nhiều năm, rất có giá trị về mặt tinh thần.
4. Nghi thức vẽ tranh
Cô dâu chú rể có thể cùng nhau tạo ra một tác phẩm nghệ thuật bằng cách vẽ trên chất liệu giấy hoặc vải canvas.
Họ sẽ dùng hai màu sơn khác nhau, khi kết hợp màu sắc thì sẽ tạo ra màu mới. Ví dụ sử dụng màu đỏ và màu vàng khi lên ảnh thì sẽ thành màu cam rồi viết hoặc vẽ lên bức tranh của hai bạn. Về chủ đề của bức tranh thì tùy các bạn chọn, nó cũng có thể chỉ đơn giản là tô màu tranh trên nền vẽ sẵn có.
Và đương nhiên, với tác phẩm như thế này thì bạn có thể mang về nhà và trở thành đồ trang trí xinh xắn, giàu ý nghĩa trong căn hộ của mình.
5. Nghi thức rót trà
Thay vì rót rượu giao bôi, rót trà là nghi thức phù hợp hơn với văn hóa châu Á. Các cặp đôi chọn loại trà ưa thích và cùng nhau rót vào hai chén trà rồi cùng nhau uống. Nghi lễ này tượng trưng cho sự gắn bó, tin tưởng và cùng nhau nếm trải mọi hương vị cuộc sống.
Những nghi lễ cưới hỏi thay cho cắt bánh, rót rượu vang tại nước ngoài
1. Nghi thức tung chim bồ câu
Đây là một nghi thức lấy cảm hứng từ đất nước Philippines và bây giờ lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Các cô dâu chú rể sẽ cùng nhau thả một đôi chim bồ câu lên trời thay cho việc cắt bánh hoặc rót rượu.
Đôi chim bồ câu được thả như lời hứa hẹn về cuộc sống hôn nhân bền chặt, êm đềm và lâu dài. Nó là hình ảnh tuyệt đẹp và đáng nhớ trong hôn lễ.
Ảnh minh họa.
2. Nghi thức thắt nút dây tình yêu
Cặp đôi chính sẽ cùng buộc nút dây thừng trong đám cưới trước sự chứng kiến của nhiều người như một cách thể hiện sự gắn kết đôi lứa. Nghi thức này cũng truyền tải thông điệp rằng hạnh phúc của cô dâu chú rể sẽ luôn bền chặt như nút dây đã buộc vào nhau.
Khi hôn lễ kết thúc, đoạn dây thắt nút này có thể trở thành đồ vật trang trí. Nhiều năm sau bạn xem lại thì vẫn nhớ rõ đó là lời nhắc nhở về sự cam kết gắn bó trọn đời mà cả hai dành cho nhau.
3. Nghi thức cột dây ruy băng
Cô dâu chú rể đứng đối diện và nắm tay nhau (nắm tay tạo thành hình số 8 – tượng trưng cho sự vĩnh cửu). Sau đó, tay của cặp đôi được buộc lại với nhau bằng ruy băng nhiều để tượng trưng cho một sự kết hợp. Những người lớn đại diện cho hai bên và bạn bè thân thiết có thể lần lượt cột từng sợi ruy băng cho cặp đôi mới cưới kèm theo lời chúc phúc.
Ảnh minh họa.
Trên đây là những nghi thức gợi ý thay thế cho màn rót rượu, cắt bánh trong hôn lễ. Các bạn có thể tham khảo và đưa ra lựa chọn để giúp đám cưới ấn tượng, có điểm nhấn nhất nhé.