Biên chế không quan trọng bằng lương để GV sống được bằng nghề

13/09/2017 - 16:25
Cho rằng thoát khỏi biên chế giáo viên để tìm một cơ hội công việc tốt hơn, chuyên gia giáo dục Nguyễn Tùng Lâm không bất ngờ trước câu chuyện thầy giáo “đâm đơn” xin ra khỏi biên chế. Theo ông, trong hay ngoài biên chế không phải là điều đáng tranh cãi.
Biên chế giáo viên vẫn là câu chuyện nóng trong nghề giáo viên. Ảnh minh họa

Khi cá nhân trở thành hiện tượng

Dư luận nhiều ngày qua xôn xao câu chuyện thầy giáo Đoàn Hùng Cường- thạc sĩ, giáo viên dạy văn ở huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) làm đơn xin ra khỏi biên chế. Không ít người tỏ ra bất ngờ khi vốn dĩ, vào được biên chế giáo viên là cả một hành trình không hề giản đơn.

“Hiện tượng” thầy Cường lan rộng đến mức trong hôm qua 12/9, UBND huyện Bình Liêu đã phải có văn bản nói rõ hơn về trường hợp của thầy, trước những thắc mắc liệu một thạc sĩ đầu tiên về lý luận văn học như thầy Cường có được trọng dụng hay không.

Bản thân nam giáo viên đã có những chia sẻ rất thật với Báo Phụ nữ Việt Nam, rằng anh xem việc xin ra khỏi  biên chế của mình là điều bình thường khi cảm thấy không phù hợp với môi trường làm việc. "Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng, nếu mình là người có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai từ "biên chế" mà đày đọa bản thân".

“16 năm, đủ để yêu nghề và nếm trải nhiều vất vả, trái ngang của ngành giáo dục. Biên chế hay không, không có gì ghê gớm, tôi muốn chứng minh điều ấy. Tôi muốn thay đổi cuộc sống và tương lai của mình để thoát ra khỏi môi trường mà mình thấy không phù hợp. Đơn giản chỉ thế thôi!”- nam giáo viên chia sẻ.

 

Thầy Đoàn Hùng Cường cũng không ngần ngại trải lòng rằng, anh ít nhiều có những băn khoăn, bức xúc về ngành giáo dục trong suốt nhiều năm giảng dạy và có khoảng thời gian ngắn làm quản lý. Nhưng thấy lực bất tòng tâm, là điều luôn thôi thúc anh tìm cách thoát ra khỏi môi trường không còn phù hợp đó.

TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe câu chuyện này. “Nhiều năm làm trong ngành, tôi thấy nhiều thầy cô giáo có khả năng, có tài luôn có nhiều con đường để phát triển, cống hiến. Không chỉ mình thầy Cường xin ra khỏi biên chế đâu mà rất nhiều người từng làm điều đó! Chỉ có điều họ có tuyên bố hay không thôi. Người giỏi tìm được chỗ tốt hơn để thay đổi cuộc sống của mình là chuyện bình thường. Tôi không ngạc nhiên về điều này!”.
TS Nguyễn Tùng Lâm không bất ngờ về câu chuyện của thầy Đoàn Hùng Cường

Ngành giáo dục cần thu hút nhiều người tài

Không ngạc nhiên, song TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, ông có phần tiếc cho những trường hợp là giáo viên giỏi, có tài năng nhưng không tiếp tục cống hiến cho ngành.

“Ngành giáo dục đang còn khó khăn, rất cần thu hút nhiều người tài. Tôi hi vọng người có khả năng sẽ suy nghĩ lại để tìm cách cống hiến phát triển ngành giáo dục, đó mới là điều khó” - ông nói.

Tuy nhiên, TS Tùng Lâm cũng cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc các nhà quản lý giáo dục ở cấp cơ sở phải suy nghĩ làm sao để quản lý dân chủ, tạo điều kiện tốt nhất cho người tài, giúp họ cống hiến và đóng góp tốt hơn trong nghề.

“Sao chúng ta cứ cãi nhau về việc trong hay ngoài biên chế? Bởi điều quan trọng hơn cả là làm sao nghĩ cách giải quyết vấn đề tiền lương cho giáo viên, để họ có đủ điều kiện sống, làm việc và cống hiến cho ngành giáo dục trong bối cảnh rất khó khăn hiện tại!” - ông nói.

Tranh cãi điều này không giải quyết được vấn đề gì. Thực tế cho thấy dù luật về viên chức, công chức đã quy định rất chung chung là làm tốt thì được hưởng lợi, còn làm không tốt thì có thể bị sa thải, nhưng không mấy ai làm được đúng điều này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm