Biến chứng thủy đậu đeo đẳng cả đời

10/01/2018 - 11:58
Hiện thủy đậu đang bước vào mùa dịch khi ngày càng có nhiều trẻ nhập viện. Trước đó, năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 39.000 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016.

Riêng tại TPHCM, số trường hợp bị thủy đậu cũng tăng 46%, trong đó 90% số ca nhiễm thủy đậu là trẻ trong độ tuổi 2-7 tuổi.

Biến chứng khó lường, hệ lụy lâu dài

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện, hắt hơi…) qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

td.jpg
Bác sĩ thăm khám cho trẻ bị thủy đậu

Cũng theo ông Phu, bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân. Bệnh thường bắt đầu vào tháng 1, tăng mạnh và đỉnh điểm vào tháng 3. Bệnh có khả năng lây lan rất cao, thủy đậu dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Khi bị thủy đậu, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Khi đã mắc bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời và ít khi bị lại lần hai.

Theo PGS.TS Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TPHCM), tuy thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Biến chứng thứ 2 có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê… thậm chí tử vong”.

anh-1.jpg
Người mắc thủy đậu thường xuất hiện nốt ban đỏ ở toàn thân


Ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Theo ông Phu, thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm vaccine ngừa thủy đậu là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo đó, hơn 90% người đã chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt) và thường là không bị biến chứng.

Theo đó, trẻ từ 1-12 tuổi cần được tiêm 1 liều vaccine để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Tuy nhiên, khi mang thai phụ nữ không nên tiêm loại vaccine này.

Hiện vaccine ngừa thủy đậu đã có mặt tại hầu hết các cơ sở y tế cả công lẫn tư trên cả nước.

Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

 - Tiêm vaccine ngừa thủy đậu đủ liều, đúng lịch.

 - Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

- Vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

 - Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm