“Thực tế giai đoạn hiện nay, hôn nhân và gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, sự phát triển mãnh mẽ của khoa học công nghệ (đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, công nghệ truyền thông với các thiết bị hiện đại, mạng xã hội…), sự toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, những tác động của cơ chế thị trường…
Có thể nói, hôn nhân và gia đình đang bị tác động mạnh. Trên phương diện tích cực, quá trình này, bên cạnh việc tạo nên sự độc lập về kinh tế cho cả nam và nữ, thay đổi vai trò giới, vị thế người phụ nữ tăng thì ở thế hệ trẻ còn là hôn nhân tự do, tự nguyện, sự độc lập, mức sinh thấp, quan hệ trong gia đình bình đẳng, dân chủ…” – Đó là nhận định của Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Tương đồng quan điểm đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung (Học viện Báo chí và tuyên truyền, Hà Nội) cũng cho rằng: “Vấn đề gia đình hiện nay ở Việt Nam chúng ta lại đang có xu hướng biến đổi, đa chiều. Hiện có rất nhiều cuộc hôn nhân của giới trẻ hướng đến sự tự do, đặc biệt là giới trẻ thành phố không cần đến sự thừa nhận của gia đình, thậm chí không cần đến sự thừa nhận của luật pháp.
Bố mẹ khó khăn, các con sẽ đi ở riêng, thuê nhà, không cần sống chung, không ăn hỏi, không nghi lễ nào… mà không cảm thấy giày vò, giẳng xé. Có lẽ đây là biểu hiện của hôn nhân bị biến động theo xu hướng rất phức tạp của xã hội mới, có những quan điểm rất đặc biệt, khác với hôn nhân truyền thống…".
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có những góc nhìn với những phân tích nhiều chiều. Bà cho rằng, hiện nay, trong bộ phận cư dân là giới trẻ sống ở đô thị, bên cạnh việc tiếp tục noi theo những chuẩn mực của truyền thống coi hôn nhân là một giá trị phổ quát, một giá trị vĩnh viễn thì còn xuất hiện thêm những sự lựa chọn khác, tương hợp với sự lên ngôi của giá trị cá nhân. Họ là thế hệ hoàn toàn sinh ra sau đổi mới, sinh ra trong thế kỷ 21, họ được sống như “sổ lồng”. Họ cũng là đối tượng tiếp cận với nhiều cái mới. Internet, tiếng Anh, công nghệ… đã trở thành giấy thông hành của họ trong cuộc sống.
Cũng theo nhà giáo Hồng Mai: "Dưới tác động của những yếu tố đó, rất nhiều giá trị đã đặt ra, ví dụ như những khái niệm mang tính phổ quát: giữa cộng đồng và cá nhân, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa bổn phận và tự do cá nhân… Do đó, lựa chọn sống độc thân cũng đang làm điều giới trẻ làm nhiều. Không có luật nào yêu cầu người ta phải lấy vợ lấy chồng.
Khác với nông thôn, người ta còn chịu nhiều quan niệm truyền thống trong làng xã như hôn nhân là 1 biện pháp giúp an toàn sinh kế, an toàn xã hội, không kết hôn không được… Người trẻ thành phố kết hôn theo tình yêu, không bị chịu áp lực, họ muốn thì họ làm, không muốn không làm. Cũng từ suy nghĩ này, dẫn đến nhiều người trẻ đô thị đang trì hoãn kết hôn và đây là xu thế phát triển tất yếu, sẽ ngày càng gia tăng. Trong gia đình nhà tôi hiện đang phải có đến chục cô cậu đang ở tuổi 30, ngoài 30 chưa lấy vợ lấy chồng…".
Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức dân số Hàn Quốc, một nửa số phụ nữ được khảo sát cho rằng họ muốn kết hôn sau tuổi 30. Số phụ nữ đồng ý không nên kết hôn trước tuổi 30 chiếm 28,2% và 25,5% nói có thể kết hôn ở tuổi 29. Có 95% phụ nữ trẻ chần chừ trước hôn nhân và 50% trong số họ cho rằng muốn được tự do thoải mái và tận hưởng cuộc sống độc thân trước khi bị trói buộc vào hôn nhân. Do đó, Hàn Quốc đang báo động vì vào năm 2030, số lượng công chức sống độc thân chiếm khoảng 38,1%. Tại Mỹ, hiện chỉ khoảng 50% người trên 18 tuổi kết hôn, so với tỷ lệ 72% vào 10 năm trước. Tuổi kết hôn trung bình thời điểm này là 27 đối với nữ và 29 với nam, trong khi cách đây vài chục năm lần lượt là 23 và 26. Còn ở Nhật, theo kết quả mới nhất của Viện Nghiên cứu quốc gia về dân số và an sinh xã hội, 1/4 thanh niên chưa lập gia đình ở Nhật trong độ tuổi 30 đều không nghĩ đến việc sẽ sớm tìm bạn gái và kết hôn. Chính phủ Nhật đang tìm mọi cách khuyến khích giới trẻ kết hôn hoặc sống chung để tránh sự khủng hoảng dân số vào năm 2020. |