Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm thực chất

Ngự Bình
22/09/2020 - 11:35
Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm thực chất

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị".

Thành tựu sau 10 năm triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới

Mục đích của Hội thảo nhằm tham vấn rộng rãi các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương về các chỉ tiêu và giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Bình đẳng giới trong chính trị: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới

Tại hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - nhấn mạnh, chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới bằng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các chỉ tiêu về tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho thấy đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. 

Đối với lĩnh vực chính trị đã có những điểm sáng mới: Lần đầu tiên có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị (chiếm tỷ lệ 15,78%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ 2010 - 2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Lần đầu tiên có nữ tham gia Ủy viên thường trực của Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội; tới thời điểm này có 9/63 nữ Bí thư tỉnh, thành ủy...

Bình đẳng giới trong chính trị: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - trao đổi với TS. Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam - về vấn đề phụ nữ tham chính

Còn theo TS. Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, năm 2020 cũng là năm bản lề diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì thế, đây chính là thời điểm quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với việc đúc rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chiến lược vừa qua và xây dựng chính sách về bình đẳng giới cho giai đoạn tiếp theo của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, tham chính. Việc nghiên cứu xây dựng và tham vấn ý kiến cho các đề xuất của Mục tiêu về tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm thực chất

Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Tại Hội thảo, bàn về các giải pháp, TS. Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, cần mở rộng đối tượng từ các cấp "hoạch định chính sách" sang "tham mưu, hoạch định, thực thi và giám sát chính sách" để mở rộng đối tượng nữ giới được tham gia bình đẳng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý không chỉ trong các cơ quan hoạch dịnh mà còn ở cả những cơ quan tham mưu, thực thi và giám sát chính sách trong khu vực công.

Bình đẳng giới trong chính trị: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 - Ảnh 3.

TS. Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ

Liên quan đến giải pháp cụ thể trong tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, Ban soạn thảo Dự thảo Chiến lược cân nhắc đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện bộ chỉ số giám sát thực hiện bình đẳng giới trong chính trị vì hiện nay Việt Nam đang chưa có một công cụ giám sát thực hiện bình đẳng giới trong chính trị hiệu quả. Cần có giải pháp nâng cao số lượng đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử, tính đến các kinh nghiệm quốc tế như hạn ngạch pháp lý, hạn ngạch tự nguyện…

TS. Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Còn theo bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ V, Ban Tổ chức Trung ương - cần cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các điều khoản pháp luật và chế độ chính sách đối với cán bộ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo trong các cấp chính quyền. Cần đề xuất việc ban hành và tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc chế độ trợ cấp tài chính và hỗ trợ cán bộ nữ trong đào tạo. Mặt khác, thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong công tác cán bộ; xây dựng cơ cấu cán bộ nữ ở các ngành chủ chốt cho tương xứng với điều kiện và đặc thù của cán bộ nữ.

Đặc biệt, cần phải đổi mới công tác đánh giá và xây dựng tiêu chuẩn đối với cán bộ nữ. Đối với cán bộ nữ, khi đánh giá cần có tầm nhìn xa, theo hướng phát triển, tránh định kiến, hẹp hòi. Trong đội ngũ cán bộ nói chung, nhóm đối tượng cán bộ này thường bị thiệt thòi bởi quan điểm, nhận thức chưa đúng về giới tính. Cán bộ nữ cần được đánh giá, nhìn nhận trước hết về ý chí khát khao cống hiến, vươn lên trong học tập, công tác, chiều hướng phát triển của cán bộ. Qua đó để làm cơ sở nhận xét, đánh giá và có chính kiến rõ ràng khi giới thiệu cán bộ vào quy hoạch cũng như trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng.

Đề xuất các chỉ tiêu giai đoạn 2021-2030:

* Chỉ tiêu 1: Duy trì tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đạt ít nhất 15% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 20% trở lên đối với cấp cơ sở. Nhiệm kỳ 2025-2030 đạt 20% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 25% trở lên đối với cấp cơ sở. Có nữ tham gia trong các Ban Thường vụ.


* Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV đạt 30% và khóa XVI đạt 35%. Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có thành viên là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt 30% nhiệm kỳ 2021 2026 và 35% nhiệm kỳ 2026-2031.


* Chỉ tiêu 3: Đến 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các Ban Đảng ở Trung ương, các bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tổ chức CTXH ở Trung ương, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm