pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình đẳng giới trong hôn nhân - Thực trạng và giải pháp
Ảnh minh họa
Bình đẳng là thước đo sự phát triển của xã hội hiện đại, là một trong những tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã khẳng định, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới (Điều 26).
Luật bình đẳng giới năm 2016 khẳng định vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình (Điều 18).
Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại mục tiêu 5.4 đã xác định bảo đảm bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình.
Thực trạng bình đẳng giới trong hôn nhân
Nam giới thường được coi là "trụ cột gia đình", là người quyết định chính những công việc lớn trong gia đình như xây sửa nhà cửa, việc hiếu, hỉ… Trong khi đó, nữ giới thường là người ra quyết định liên quan đến các công việc chi tiêu hàng ngày.
Trong nhiều năm qua, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã mang lại cho cả phụ nữ và nam giới những nguồn lực kinh tế-xã hội quan trọng như sự gia tăng về trình độ học vấn, thu nhập. Đồng thời, những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam góp phần làm cho quyền quyết định trong gia đình của nữ giới và nam giới ngày càng bình đẳng hơn.
Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Thái Nguyên và Sóc Trăng, với 601 đại diện hộ gia đình trong độ tuổi 20-60, cho biết, khi được hỏi về người có quyền quyết định các việc quan trọng trong gia đình, tỉ lệ trả lời phương án "luôn luôn là cả hai" chiếm số lượng lớn nhất (50,7%).
Điều này cho thấy, bình đẳng trong việc ra quyết định của vợ và chồng là khá phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, trong số các gia đình còn lại, tỷ lệ người chồng là người có quyền quyết định các công việc quan trọng trong gia đình chiếm ưu thế hơn so với người vợ (26,8% so với 15,8%).
Số liệu này cho thấy, ở một bộ phận gia đình Việt Nam, người chồng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc ra quyết định.
Trong công việc gia đình, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" trở thành một định kiến về vai trò giới trong gia đình. Người phụ nữ thường được gắn với công việc nhà, chăm sóc con cái, trong khi nam giới được cho là người chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu về vật chất của gia đình.
Điều này tạo nên áp lực cho cả người vợ và người chồng trong gia đình. Thực tế, báo cáo số 237/BC-CP của Chính phủ ngày 16/5/2023 về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, cho biết, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ là 2,3 giờ/ngày, gấp 1,8 lần so với nam giới.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Số liệu cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng ngay cả khi chỉ tiêu này đạt so với kế hoạch thì bản thân nó vẫn cho thấy sự tồn tại bất bình đẳng giới.
Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong hôn nhân
Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là đã đạt được những kết quả tương đối tốt về bình đẳng giới. Nhiều nghiên cứu về phụ nữ đã ghi nhận mức độ cải thiện về cơ hội việc làm, giáo dục với phụ nữ và vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình.
Tuy nhiên, các mục tiêu về bình đẳng giới vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm khi ở nhiều gia đình, công việc nhà, chăm sóc con cái vẫn thuộc về phụ nữ và tiếng nói của phụ nữ trong một số gia đình vẫn chưa được cải thiện.
Để mục tiêu bình đẳng giới trong hôn nhân có thể đạt được trong thời gian tới, việc tiếp tục truyền thông về vai trò giới không định kiến trong gia đình cần được chú ý. Ngoài truyền thông ở cộng đồng, cần chú ý đến việc giáo dục sớm cho trẻ ngay từ trong gia đình.
Những gì trẻ nhìn thấy, quan sát được hay học được từ cha mẹ sẽ định hướng hành vi của các em sau này. Mặt khác, cần tiếp tục thúc đẩy các chương trình giáo dục, việc làm, sinh kế nhằm tăng cường nguồn lực xã hội, kinh tế cho nữ giới, giúp cải thiện vị thế của họ trong hôn nhân.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và triển khai những dịch vụ gia đình để giảm thời gian phụ nữ dành cho công việc gia đình, đặc biệt với các gia đình đang chịu trách nhiệm chăm sóc nhóm phụ thuộc (trẻ em và người cao tuổi). Đây như là biện pháp can thiệp tạm thời để hạn chế sự bất bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong thực hiện công việc gia đình.