Bỏ biên chế giáo viên, hiệu trưởng dễ lộng quyền

02/06/2017 - 16:45
Chủ trương thí điểm xóa biên chế giáo viên của Bộ GD&ĐT tiếp tục được đông đảo giáo viên cả nước quan tâm. Theo nhiều giáo viên, để tạo sự cạnh tranh công bằng, việc thí điểm xóa biên chế cần được tiến hành với cả vị trí lãnh đạo, đặc biệt là hiệu trưởng.

Đừng để hiệu trưởng lạm quyền thêm

Đề xuất bỏ biên chế với giáo viên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Có nhiều ý kiến ủng hộ những cũng không ít ý kiến phản đối gay gắt như ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Thí điểm xóa biên chế ngoài việc ảnh hưởng đến người trực tiếp đứng lớp thì rất nhiều giáo viên còn có mối lo khác, đó là sự thao túng, lạm quyền của hiệu trưởng khi được giao quyền tuyển dụng nhân sự bằng cơ chế hơp đồng. Không ít nơi, hiệu trưởng là vị trí quyền lực, đặc biệt khi được hậu thuẫn của bộ máy quản lý phòng, sở.

Cô Thu Thủy (GV một trường tiểu học ở Hương Khê, Hà Tĩnh) bức xúc cho rằng, nếu thí điểm xóa biên chế giáo viên, phải thí điểm cả chức danh hiệu trưởng để đảm bảo công bằng.

“Từ khâu tuyển dụng đến khâu quản lý chất lượng, hệ thống quy chuẩn đánh giá năng lực giáo viên, cán bộ cũng phải tuân thủ theo cơ chế này, nếu không tôi e rằng sẽ tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay hiệu trưởng, trong khi không phải trường nào cũng có hiệu trưởng giỏi chuyên môn và công tâm” - cô Thủy thẳng thắn chia sẻ.

 Giáo viên cả nước tâm tư xung quanh chủ trương xóa biên chế giáo viên. Ảnh minh họa

Thầy Văn Khánh (Giáo viên THCS ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng đồng tình khi cho rằng, muốn xóa biên chế, chắc chắn phải có cơ chế quản lý hiệu trưởng phù hợp.

“Đồng nghiệp của tôi ở khắp nơi than phiền về sự lộng hành của hiệu trưởng. Nếu trao thêm cho họ quyền “nối” hay “cắt” hợp đồng lao động, ai đảm bảo là người giỏi thật sự được ở lại hay chính những giáo viên giỏi, thẳng thắn sẽ là những người dễ dàng bị loại đầu tiên?” - thầy Khánh đặt câu hỏi.

Thực tế chua chát sau hơn 20 năm trong nghề của thầy Khánh cho thấy có những giáo viên có năng lực, muốn đấu tranh chống lại tiêu cực trong giáo dục đều bị “cấp trên” chèn ép đến mức phải xin chuyển trường, thậm chí nghỉ việc.

“Nghề giáo vốn đã áp lực không nhỏ, ngoài chuyên môn còn rất nhiều đầu việc không tên. Chúng tôi chỉ muốn có một môi trường yên ổn để tập trung làm tốt vai trò của mình, trên tinh thần cầu thị, xây dựng. Giáo viên giỏi cũng chỉ muốn yên ổn mà dốc sức cho nghề, cho trò. Đừng lôi thêm những lo lắng, mệt mỏi và bấp bênh vào nữa khiến chúng tôi mất đi nhiệt huyết với nghề!” - thầy Văn Khánh bộc bạch.

Thước đo nào cho hiệu trưởng?

TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, để xin và tuyển vào theo biên chế, không ít chuyện tiêu cực nhũng nhiễu xảy ra trong quá trình tuyển dụng, phải qua quá nhiều "cửa". Quá trình ấy khiến việc tuyển dụng chưa chắc đã chọn được người giỏi tâm huyết với nghề như mong muốn.

“Chính điều này khiến việc nâng cao chất lượng giáo dục cần đi đôi với việc thay đổi tổng thể từng khâu, đặc biệt từ khâu tuyển dụng cần minh bạch, công tâm thay vì tiêu cực như hiện nay” - ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, Bộ GD&ĐT cần phải có lộ trình cẩn thận từ việc xây dựng khung pháp lý, thí điểm và phải có các giải pháp đồng bộ về tài chính giáo dục, quản lý, truyền thông, đặc biệt phải thiết lập cơ chế dân chủ hóa và minh bạch hóa hiệu quả để mọi người giám sát hiệu trưởng cũng như giáo viên.

“Hiệu trưởng cũng có thể ký hợp đồng bình thường như giáo viên” - ông Vinh đề xuất.

Luật chơi mới cần công bằng

Ủng hộ phương án bỏ biên chế giáo viên như một luật chơi mới trong ngành giáo dục, TS Giáp Văn Dương, một chuyên gia về giáo dục cho rằng, để công bằng, luật chơi này cần được áp dụng cho mọi viên chức trong ngành, từ Bộ trưởng đến các cán bộ quản lý chứ không chỉ áp dụng cho mỗi giáo viên.

“Tại sao không thành lập hội đồng trường để hoạt động như hội đồng quản trị ở các trường tư? Hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường bổ nhiệm và giám sát. Nếu hiệu trưởng làm việc không hiệu quả thì cũng sẽ bị bãi nhiệm” - TS Giáp Văn Dương đề xuất.

Theo TS Dương, nếu thực hiện cách này, sẽ không còn lo ngại hiệu trưởng thao túng quyền lực. Hiệu trưởng cũng sẽ phải phấn đấu, cạnh tranh. Nếu hiệu trưởng thay đổi được theo hướng đó, chắc chắn chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy sẽ theo đó mà tăng lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm