Bộ Công an nói về việc người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật

Hải Yến
30/06/2022 - 05:24
Bộ Công an nói về việc người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị. Nguồn: TTXVN

Để ngăn chặn, xử lý triệt để người Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như việc siết chặt quản lý các doanh nghiệp đưa công dân đi lao động ở nước ngoài, tăng cường quản lý các công ty du lịch quốc tế nhằm tránh lợi dụng ở lại nước ngoài trái phép.

Hội nghị quán triệt và triển khai kết luận 12 và nghị quyết 169 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra ngày 29/6. Hơn 500 đại biểu đã có mặt tại hội nghị cùng với các đại biểu tham dự trực tuyến thông qua khoảng 200 điểm cầu cả trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp điều tra, xác minh, xử lý gần 800 vụ việc theo yêu cầu của các nước liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị nước ngoài trục xuất.

Nổi cộm trong số này là việc cư trú bất hợp pháp, nhập cư bất hợp pháp, tội phạm liên quan buôn bán người, ma túy, mại dâm, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã... Đáng chú ý, trong thời gian gần đây đã xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

Theo thượng tướng Lương Tam Quang, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn quy định pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chưa quy định hậu quả pháp lý cụ thể đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài. Các chế tài với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng người Việt đi làm theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước sở tại chưa đủ nghiêm khắc… hay việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong giải quyết tình trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài còn chậm, hiệu quả chưa cao. Những hành vi này cũng thuộc quyền tài phán nước sở tại, do đó việc thu thập xác minh thông tin, củng cố tài liệu xử lý theo pháp luật Việt Nam khá khó khăn.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho biết có tình trạng nước ngoài đẩy, đuổi bí mật người Việt bị xét xử về nước qua các đường mòn lối mở do Việt Nam và các nước này chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hình sự hoặc dẫn độ tội phạm. Điều này gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, phối hợp điều tra, xét xử thu hồi tài sản phạm tội và quản lý công dân.

Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để đấu tranh ngăn chặn, xử lý triệt để người Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như việc siết chặt quản lý các doanh nghiệp đưa công dân đi lao động, làm việc ở nước ngoài, tăng cường quản lý các công ty du lịch quốc tế nhằm tránh lợi dụng ở lại nước ngoài trái phép...

Nhắc đến thực trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng đây chỉ là hành vi của một nhóm rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

"Chúng tôi cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong việc hỗ trợ bà con Việt Nam hội nhập thành công, tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại", người đứng đầu Bộ Ngoại giao nói.

Ngoài ra, Hội nghị cũng được nghe 8 tham luận của một số ban, bộ, ngành, địa phương tập trung nêu rõ một số vấn đề trọng tâm được nêu trong Kết luận 12, Nghị quyết 169 và kế hoạch triển khai thời gian tới như: Biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy trong công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; biện pháp phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm