Những mô hình, phần việc đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào nhân dân các dân tộc trên hai tuyến biên giới của tỉnh; duy trì, giữ vững và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền, nhân dân các bộ tộc của nước bạn Lào và Campuchia phía ngoại biên, đối diện.
Từ các mô hình điểm như “Xây dựng thôn Đắk Ga- xã Đăk Nhoong no đủ, vững mạnh, an toàn”, “Đưa đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên biên giới vươn lên thoát nghèo”; “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; mô hình giúp dân trồng Sâm dây, bời lời ở xã Đăk Long, Đăk Nhoong; Cao su tiểu điền ở xã Mô Rai; “Thôn đạo bình yên” ở thôn Kei Joi- xã Đăk Xú; “Nghĩa tình ngoại biên” ở thôn Bãi Trắng, huyện Xản Xay- tỉnh Attupư- nước CHDCND Lào… cùng với phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, các phong trào “Hũ gạo tình quân dân”, “nâng bước em tới trường”, “mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; các hoạt động chung tay xóa nhà tranh tre dột nát; làm đường giao thông nông thôn; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; trạm xá Quân dân y kết hợp ở 7 xã biên giới… là thực tiễn sinh động về công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới của BĐBP tỉnh Kon Tum.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và có hiệu quả được vận dụng triển khai thực hiện phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn trên từng địa bàn, từng cộng đồng dân tộc, như mô hình: “Xây dựng thôn Đắk Ga- xã Đắk Nhoong no đủ, vững mạnh, an toàn”, “Đưa đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên biên giới vươn lên thoát nghèo” hay “Thôn đạo bình yên” là những điển hình về công tác dân vận, thể hiện rõ trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng nền Biên phòng toàn dân và thế trận Biên phòng toàn dân, phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh trong tình hình mới của BĐBP tỉnh Kon Tum.
Với đặc thù địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum, có đường biên giới tiếp giáp với hai nước làng giềng Lào và Campuchia, là nơi tập trung nhiều thành phần dân tộc (gồm 21 dân tộc, chiếm hơn 80% dân số); mặc dù những năm qua, cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước quan tâm từng bước đầu tư xây dựng cơ bản; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên khu vực biên giới ngày càng được cải thiện và có sự tiến bộ hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh và các vùng miền khác, thì vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức chưa cao, có sự chênh lệch giữa các địa bàn; kinh tế chậm phát triển, năng suất lao động còn thấp, sản xuất nhỏ lẻ; việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn ít; một bộ phận người DTTS còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; dễ bị kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào các dân tộc trên KVBG ổn định cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, không trông chờ ỷ lại; trong nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum đã vận dụng thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, hướng đến có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải có tính kiên trì, có tinh thần trách nhiệm cao, có sự sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ; thường xuyên bám dân, bám nắm địa bàn, hiểu rõ được đặc tính, lối sống, phong tục tập quán, điều kiện và tình hình thực tế cuộc sống của từng dân tộc; vừa tuyên truyền vận động, vừa bằng những hành động, việc làm cụ thể theo lối "cầm tay chỉ việc" để giúp người dân chuyển đổi nhận thức, tự chủ, mạnh dạn tham gia lao động sản xuất và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã chủ động phối hợp với địa phương, các ngành, các lực lượng khảo sát, lựa chọn xây dựng 11 mô hình điểm, tham gia phối hợp thực hiện 27 công trình, phần việc giúp dân; cử 13 cán bộ sỹ quan, QNCN tăng cường cho 13 xã biên giới và đều được bầu giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã; cử 58 đảng viên các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 53 chi bộ thôn (làng) và 31 cán bộ sỹ quan, QNCN các Đội công tác địa bàn kết nghĩa giúp 31 hộ gia đình người DTTS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên thoát nghèo. Triển khai cho CBCS tích cực, chủ động, sâu sát bám nắm cơ sở, tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tham gia lao động giúp đồng bào các dân tộc định canh, định cư; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa; tự giác giao nộp các loại vũ khí, súng, đạn, vật liệu nổ; phối hợp dạy các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; vận động học sinh bỏ học trở lại trường; nhận đỡ đầu hỗ trợ 64 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường”… đã góp phần quan trọng giúp đồng bào nhân dân các dân tộc trên khu vực biên giới của tỉnh ổn định cuộc sống.
Trước những diễn biến mới, phức tạp đang diễn ra trên hai tuyến biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia của tỉnh, nhất là tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã luôn coi trọng và xác định đúng đắn, nghiêm túc vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào DTTS; thông qua các mối quan hệ dân tộc, thân tộc, dòng họ để thực hiện công tác tuyên truyền đối ngoại. Đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, tổ chức kết nghĩa 4 cặp bản- bản (thôn, làng) hai bên biên giới; triển khai cho 5 đồn Biên phòng ký kết chương trình kết nghĩa, phối hợp bảo vệ Biên giới với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia...
Đến nay, đã có 56/101 thôn (làng) văn hóa và 11.251 hộ gia đình văn hóa được các cấp công nhận; 16 đồn Biên phòng được công nhận là điểm sáng văn hóa vùng biên; 95% thôn (làng) của 13 xã biên giới tham gia thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, trong đó có 68/101 thôn (làng), 698 hộ/1.194 khẩu tham gia tự quản 280,7 km đường biên giới và 642 hộ/1.237 khẩu tự quản 72 cột mốc quốc giới; có 2.064 hộ tham gia 168 tổ tự quản về an ninh trật tự thôn, làng.
Từ trong hoạt động thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào DTTS, xây dựng và thực hiện các mô hình giúp đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động và thu hút được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tập thể và cá nhân, góp phần quan trọng để BĐBP tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng và tuyên truyền đối ngoại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xây dựng khu vực biên giới tỉnh Kon Tum hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Một số mô hình, công trình, phần việc giúp dân của BĐBP Kon Tum đã được tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và vận dụng triển khai thực hiện trên nhiều tuyến biên phòng, trở thành hoạt động tiêu biểu, điển hình về công tác dân vận của BĐBP trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum.