Trước đó, Vũ Ngọc Hà (sinh năm 1984) từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Truyền hình và có một công việc ổn định.
Ngọc Hà cho biết: Nghề đúc khuôn tay ở Việt Nam dù còn xa lạ nhưng lại xuất hiện khá nhiều ở các nước phương Tây. Khâu trở ngại nhất đó chính là việc tìm ra các nguyên liệu, thường thì nguyên liệu phải mua ở nước ngoài rất đắt”.
Từ việc làm ra những sản phẩm lưu giữ hình ảnh cậu con trai khi mới lọt lòng, Vũ Ngọc Hà đã phát triển ý tưởng kinh doanh và mở Shop mẹ Bách. Ảnh: Nguyễn Tâm
Để có thể tìm ra nguồn cung các nguyên liệu, Hà đã phải mày mò từ rất nhiều người.
Cô tham khảo các video hướng dẫn cách đúc khuôn tay chân từ Internet và làm những sản phẩm đầu tiên lưu giữ hình ảnh cậu con trai đầu của mình.
Bạn bè, người thân, hàng xóm đến nhờ Hà làm và khuyến khích cô phát triển thành ý tưởng kinh doanh. Vậy là “Shop mẹ Bách” của cô ra đời.
Ngọc Hà cho biết: Cách thức để làm sản phẩm khuôn tay chân tương đối đơn giản. Đầu tiên sử dụng bột lấy dấu pha vào nước theo tỉ lệ 1-1, khuấy đều và cho tay hoặc chân bé vào, để yên trong khoảng 1 phút. Đây là loại bột có xuất xứ từ Italia, hoàn toàn không độc hại cho trẻ. Sau khi rút tay hoặc chân ra sẽ được khuôn ở phía trong.
Tiếp theo đó pha bột thạch cao đổ vào khuôn; khoảng 40 phút, thạch cao sẽ đông lại; bóc lớp bột đó ra sẽ được hình bàn tay hoặc bàn chân theo khuôn mẫu. Khâu tiếp theo đó là bôi nhũ vàng hoặc nhũ bạc theo sở thích.
Mất khoảng từ 1 đến 2 ngày để lớp bột khô và khoảng 1 tuần để hoàn thiện các công đoạn khác như gắn các vật trang trí, đóng khung, lồng kính...
Mỗi bộ sản phẩm sau khi hoàn thành có giá dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.
Bộ sản phẩm đúc khuôn tay chân em bé của Vũ Ngọc Hà được nhiều người yêu thích. Ảnh: Nguyễn Tâm
Ngày càng nhiều người muốn áp dụng cách làm của Hà để tạo ra những sản phẩm lưu giữ khoảnh khắc hay sản phẩm trang trí. Các cặp đôi cũng là một trong những nhóm khách hàng của cô.
Với công việc này, Hà có thể linh động trong sắp xếp thời gian, thậm chí là làm tranh thủ. “Mình chỉ mất khoảng 1 phút để lấy dấu tay, chân. Với những người nội trợ và có con nhỏ như mình, đây là một công việc khá phù hợp”.
Hà có dự định thay chất liệu thạch cao bằng compozit (chất liệu nhựa tổng hợp) để tăng độ bền cho sản phẩm. Ngoài ra, cô còn bổ sung các phụ kiện, trang trí cho sản phẩm trở nên đẹp mắt, từ việc thêm các cúc áo, hoa khô hay các ứng dụng như đồng hồ, đèn led... để sản phẩm không chỉ là một vật trang trí mà còn có tính ứng dụng cao.