Giới trẻ có thu nhập cao từ nghề điêu khắc

31/07/2015 - 14:42
Là nữ giới nhưng chị Thu vẫn mạnh mẽ và dứt khoát cầm chiếc cưa nặng gần 7kg để cắt khối gỗ nghiến, tạo thế cho tác phẩm Cụ cóc. Đây là công đoạn khó khăn và quan trọng nhất trong nghề điêu khắc tượng.

Nguyễn Thị Thu (1981) sinh ra và lớn lên ở làng nghề Dư Dụ (Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội) - nơi nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc. Từ năm 18 tuổi, cô đã bắt đầu làm nghề điêu khắc.

Thu là một trong số ít phụ nữ có thể tự tay hoàn thành một tác phẩm từ đầu đến cuối với đầy đủ các công đoạn: Lựa chọn gỗ, cưa phá để tạo thế, đục, gọt, đánh bóng.

Trong khi ở làng điêu khắc Dư Dụ, công việc của đàn ông chủ yếu là phá gỗ, tạo thế, cưa, đục, còn phụ nữ làm nét để tác phẩm trở nên mềm mại hơn, đẹp mắt hơn.

Thu cho biết: “Phụ nữ thường gọt là chủ yếu, có rất ít người biết đục. Để thành thạo gọt phải mất 1 năm nhưng muốn đục thành thạo thì phải vài ba năm; khi cầm cưa rất mệt, nếu không đủ sức thì không thể cưa được”.

Thu cho biết, công đoạn cắt khối gỗ tạo thế cho tác phẩm là một trong những khâu khó khăn và quan trọng nhất trong nghề điêu khắc tượng vì đây là khâu tạo ra những hình khối cân đối và hợp lý.

Xưởng của Thu chuyên làm các Cụ cóc và tượng cảnh. Cô cho biết thông thường cứ 2 ngày cô hoàn thành một sản phẩm, có khi đơn hàng gấp thì chỉ cần 1 ngày.

Nguyễn Thị Thu có thể cưa, đục - phần việc vốn chỉ dành cho nam giới

“Xưởng gần như lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hàng, cứ xong sản phẩm nào là người ta giành nhau mua, chỉ tiếc là không đủ sức để làm thôi!”, Thu chia sẻ. Mỗi Cụ cóc có giá dao động từ 1 đến 3 triệu tùy theo kích thước và độ tinh xảo.

Không thể đảm nhận tất cả các công đoạn điêu khắc như Thu, nhưng Đỗ Thanh Nữ (SN 1986) cũng bắt đầu cầm đục từ năm lớp 6 với công việc chủ yếu là làm nét cho các tác phẩm.

Đến nay, Thanh Nữ đã có hơn chục năm trong nghề, với kinh nghiệm 4 năm làm tượng cảnh và hơn 6 năm làm tượng phật.

Mười năm trong nghề, bàn tay của cô cũng chai sạn, các khớp xương cũng to hơn. Nữ tâm sự: Hồi mới theo nghề, đôi tay tôi luôn mỏi rã rời nhưng làm nhiều thành quen, giờ đây công việc đã trở nên nhẹ nhàng hơn, gặp những phần việc càng khó lại càng thấy như được kích thích.

Để hoàn thành việc làm nét cho một tác phẩm tượng phật, tùy theo kích thước to nhỏ mà thời gian cũng khác nhau, có bức lớn Nữ cần đến cả tuần, có bức nhỏ lại chỉ trong một buổi sáng là đã xong.

Đầu ra cho sản phẩm của làng nghề luôn ổn định khi sản phẩm được bán cho khách du lịch, những người có thú chơi, có nhu cầu mua về thờ cúng. Hàng ngày, làng Dư Dụ thường có các thương nhân đi thu mua các sản phẩm tượng cảnh như Di Lặc, Tam Đa...

Tượng Di Lặc là sản phẩm đặc trưng của những nghệ nhân làng Dư Dụ. Qua mỗi bàn tay, kích thước và kiểu dáng của tượng Di Lặc cũng có sự sáng tạo, cách điệu khác nhau.

Giá cả của những bức tượng này phụ thuộc vào kích thước, độ tinh xảo và chất liệu gỗ, mức trung bình thường dao động từ 6 đến 7 triệu đồng/sản phẩm.

Cũng có rất nhiều học sinh, sinh viên đến làng Dư Dụ để học nghề. Sau khoảng từ 1 đến 2 tháng, khi đã quen việc thì sẽ được giao việc và trả tiền công. Được biết, thù lao trung bình thường là 300.000đ/ngày, mức cao hơn từ 400.000đ đến 500.000đ/ngày công, thậm chí với những thợ giỏi, tiền công vài triệu đồng mỗi ngày.

“Mình rất tự hào khi được sinh ra, lớn lên ở làng nghề giàu truyền thống. Với nghề của ông cha để lại, mình có thu nhập cao hơn so với khá nhiều nghề khác”, Thu tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm