Dự kiến, ngày 16/8 tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại Hà Nội với 63 lãnh đạo địa phương, ngành y tế trong cả nước.
Trước đó, ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08 yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức ngành y tế… về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 3.670 cơ sở y tế. Trong đó, các cơ sở y tế tuyến Trung ương có 46 cơ sở gồm 25 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý, 21 bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh do các bộ ngành khác quản lý… Tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 27.500 kg/ngày, trong đó có không ít rác thải nhựa
Tính chung cả nước có khoảng 450 tấn chất thải rắn được phát thải/ngày, trong đó có rác thải nhựa. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.
Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động. Cụ thể, cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu than thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế và các Vụ/ Cục/ Văn phòng/ Thanh tra Bộ Y tế cùng Sở Y tế các địa phương hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị...