pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bảo vệ trẻ em là chủ trương xuyên suốt trong phòng chống bạo lực gia đình
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu trước Quốc hội
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này là sự thể chế hóa sâu hơn về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình.
Với các nhóm vấn đề đại biểu nêu, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Vấn đề về các chính sách với nhóm người yếu thế, các đại biểu mong muốn có sự quan tâm hơn về nhóm người yếu thế trong đó có trẻ em. Đây là chủ trương xuyên suốt, cũng là điều trăn trở trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật và đã mở rộng hơn so với các nhóm đối tượng yếu thế khác. "Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ hơn vấn đề này".
Nhóm vấn đề về "trách nhiệm của công an xã" tại Điều 24 và khoản 3 Điều 20, ông Nguyễn Văn Hùng nêu thực tế, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy. "Trong chức năng, nhiệm vụ của công an, chúng tôi thấy rằng chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai". Biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự.
Về các đối tượng được áp dụng như thành viên của gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây, lâu nay vẫn vi phạm nhưng đang có một khoảng trống. Vì vậy, phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình. Điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.
Còn nhóm vấn đề về "biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 3 biện pháp mới, gồm: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực và thực hiện phục vụ công việc cộng đồng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Nhìn ở góc độ lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng; vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện.