Tại phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cuối giờ sáng 6/11, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập đến sản phẩm mới là tơ sợi từ cây sen. Theo bà, cây sen đã được nhiều người nông dân trồng, chế biến và sử dụng ở tất cả các bộ phận của cây sen để làm thức ăn, đồ uống, dược liệu và các sản phẩm văn hóa.
Từ năm 2017 đến nay, có thêm một nghề mới là nghề dệt vải từ tơ sen. Đặc biệt, việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen không bị tình trạng được mùa mất giá, vừa góp phần bảo vệ môi trường và tận dụng các vùng đất trũng, ngập nước, không canh tác được.
“Tôi xin hỏi Bộ trưởng cần phải làm gì trong Chương trình xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen? Cần có chính sách, chế độ gì để khuyến khích các hộ trồng, chế biến sen và phát triển nghề dệt vải từ tơ sen ở Việt Nam trong thời gian tới?” – bà Khánh đặt câu hỏi.
Gửi câu trả lời đến đại biểu Khánh vào đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tỏ ra khá cởi mở, phấn khởi khi dành lời khen cho nhóm nữ tác giả ở Mỹ Đức (Hà Nội) về đề án sợi tơ sen rất thành công.
“Tôi biểu dương chị em chúng ta rất khéo tay khi sáng tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, dùng tơ cây sen cộng bàn tay khéo léo của phụ nữ để tạo ra sản phẩm lụa thiên nhiên 100%. Tôi nhận được một chiếc khăn tặng, mùi rất thơm, cho đến giờ vẫn thơm” – ông chia sẻ trước Nghị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ông hoàn toàn nhất trí về việc đưa mặt hàng này vào sản phẩm OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) trong sản phẩm Nông thôn mới của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), từ đó mở rộng ra một số huyện Nam Hà Nội, nơi có nhiều vùng trũng có thể trồng sen.
“Tái cơ cấu nông nghiệp không gì bằng tập trung hình thành cây sen thay vì bơm nước giữ cho lúa. Vùng trồng sen kết hợp du lịch, làm tơ, tôi nghĩ rất tốt” – ông nói.
Tiếp lời Bộ trưởng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý: “Đồng Tháp cũng có nhiều vùng trồng sen lắm!”.
Bộ trưởng Cường đáp lời bà Kim Ngân bằng câu trả lời chắc chắn: “Không chỉ Hà Nội mà chắc chắn các vùng trũng, chỗ nào cũng có thể phát huy được lợi thế từ cây sen”.
Được biết, sản phẩm tơ sen thuộc đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” được Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) phối hợp với Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức thực hiện từ năm 2016, tạo ra được thành quả đáng ghi nhận.
Sản phẩm khăn lụa từ sợi sen có độ mảnh, nhẹ và bông, mùi thơm tự nhiên. Đặc biệt, khăn lụa sen có màu trắng ngà, nâu nhạt nguyên thủy, khi choàng khăn cảm giác mát rượi, hương thơm dịu lan tỏa.
Một trong những nghệ nhân đầu tiên thử nghiệm thành công sản phẩm tơ sen thủ công là bà Phan Thị Thuận (làng Phùng Xá, Mỹ Đức).