Bộ tứ “thiên thần chết chóc” thành Viên gây chấn động thế giới

01/08/2017 - 07:25
Cách đây 29 năm những "thiên thần chết chóc” của Lainz, một thị trấn ngoại ô Thủ đô Viên (nước Áo), đã làm chấn động thế giới. Trong một bệnh viện ở đây, hàng chục bệnh nhân đã bị giết hại một cách dã man.
Án mạng hàng loạt

Cái chết xuất hiện khi đã gần hết ca đêm hôm đó. 5 giờ sáng ngày 18/12/1988, bệnh nhân Juliane P. nằm trên giường bệnh trong bệnh viện Lainz. Trước kia, bà từng là nghệ sĩ Nhà hát Ballet quốc gia, nay bị liệt nửa người vì động mạch cổ bị tắc nghẽn.

Khi đi tua đến giường Juliane, y tá trực đêm Irene Leidolf dừng lại. Cô khóa ống truyền tĩnh mạch, rút một ống tiêm ra và tiêm vào bệnh nhân qua đường catheter. 7 giờ sáng, cô ta rời bệnh viện. 0h 15 phút ngày hôm sau bệnh nhân Juliane tử vong.

nhung-thien-than-chet-choc-3.jpg
Phù thủy" Waltraud Wagner, thủ lĩnh của nhóm y tá độc ác


3 ngày sau, 18 giờ lại đến ca trực chính của Irene Leidolf. Cô ta lại dùng một ống tiêm, lần này để tiêm cho bệnh nhân Stefan F. 83 tuổi. Trưa hôm sau bệnh nhân này chết. Vài tháng sau, bệnh nhân Thekla G. 80 tuổi cũng tử vong, không phải vì căn bệnh của mình, mà vì phổi bà bị ngập đầy nước.

Sau này, các điều tra viên xác định được, bệnh nhân Thekla G. đã bị chết ngạt. Bà là một trong số 42 nạn nhân của một seri án mạng làm rung động nước Áo đến tận ngày nay.

“Vụ phạm tội dã man nhất và tàn bạo nhất lịch sử nước Áo”

Ngày 7/4/1989, các y tá Irene Leidolf, Stefanija Meyer, Maria Gruber và Waltraud Wagner đã thú nhận trước cơ quan cảnh sát Viên là đã một mình hoặc cùng nhau giết hại nhiều người trong bệnh viện Lainz bằng thuốc ngủ.

Cụ thể, họ đã bơm nước vào phổi hoặc tiêm insulin liều cao vào bệnh nhân không bị tiểu đường. Thủ tướng Áo Franz Vranitzky đã gọi đây là “vụ phạm tội dã man nhất và tàn bạo nhất lịch sử nước Áo”. Không chỉ nước Áo, mà cả thế giới sửng sốt về “những thiên thần chết chóc thị trấn Lainz".

nhung-thien-than-chet-choc-1.jpg
Trên ghế bị cáo, Leidolf (trái) và Wagner (phải), giữa là nhân viên tòa án


Người ta không thể lý giải được, những y tá này là loại người gì mà có thể ra tay tàn ác như vậy? Và tại sao, chúng có thể giết người trong một thời gian dài mà không bị phát hiện?

Khu V trong bệnh viện Lainz là nơi điều trị những bệnh nhân gần đất, xa trời. Ai bị đưa đến đây thường không qua khỏi. Y tá làm việc ở đây cũng biết điều đó.

3 trong số 4 hung thủ bắt đầu vào làm tại bệnh viện Lainz từ khi mới 17, 18 tuổi. Trong 4 hung thủ thì Stefanija Meyer làm việc lâu năm nhất ở đây. Ả vốn là người Xlovenia. Khi còn ở đó, ả đã từng làm công nhân trong một nhà máy cá hộp. Sau này sang Áo, ả học nghề y tá và vào làm trong bệnh viện Lainz.

Vì bệnh viện thiếu người nên dần dà Meyer được tiêm và phát thuốc. Đó là những công việc Meyer không được đào tạo. Các y tá khác cũng phải làm những công việc vượt quá trình độ của họ. Đôi khi họ còn làm những công việc thực ra là của bác sĩ. Có thể nói, câu chuyện về “những thiên thần chết chóc" cũng là câu chuyện về một hệ thống bệnh viện đã sa sút trầm trọng.

Những kẻ vô nhân tính

Cả 4 người phụ nữ này không chỉ không được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn không hề được đào tạo về y đức: Không ai giải thích đầy đủ cho các y tá về thái độ đối với những bệnh nhân gần đất xa trời.

Không ai giải thích cho họ là có những căn bệnh làm biến đổi bản tính của người bệnh. Trước cơ quan cảnh sát cả 4 y tá đều khai là lúc đầu, họ chỉ đơn giản là muốn làm giảm đau đớn cho bệnh nhân và không phải lúc nào cũng ý thức được hậu quả hành động của họ.

lainz-hospital.jpg
Bệnh viện Lainz, nơi xảy ra những vụ giết người dã man của 4 nữ y tá


Nhưng thực tế vụ án đã chứng minh “những thiên thần của chết chóc” này đã hành động một cách độc đoán và vô lương tâm. Đôi khi, họ thống nhất với nhau trong giờ nghỉ hút thuốc là ai được phép sống và ai phải chết! Khi đưa ra “những phán quyết tàn ác" đó chúng phân biệt bệnh nhân “tốt” và bệnh nhân “xấu”.

Ai bị chúng xếp loại “xấu” là phải chết! Đó là những bệnh nhân khó tính hoặc tính khí bất ổn, làm chúng bận thêm việc hoặc đơn giản là “Ai làm tôi bực mình, kẻ đó sẽ nhận được một chiếc giường bên Chúa!”, như lời Waltraud Wagner sau này kể lại.

Wagner là kẻ cầm đầu trong nhóm “thiên thần chết chóc”. Từ năm 1982, ả làm trong khu vực các bệnh nhân gần đất, xa trời và được các hộ lý khác nể sợ. Tại đó, mọi người đều gọi Wagner là "phù thủy". Năm 1983, ả bắt đầu giết người, lúc đầu gây án một mình và cứ sau nhiều tháng mới lại ra tay.

Sau một thời gian, ả kể với y tá Irene Leidolf là bạn gái của ả là đã  “học lỏm" được từ bác sĩ là nếu dùng thuốc an thần Rohypnol quá liều sẽ làm cho những bệnh nhân già, tính khí bất ổn chết nhanh hơn. Cứ thế, Wagner đã "hướng dẫn" đồng phạm của ả những kỹ thuật giết người tinh vi.

Đặc biệt, gây đau đớn cho bệnh nhân chính là kiểu mà Wagner gọi là “chăm sóc miệng bệnh nhân”: Một hộ lý đổ nước vào miệng bệnh nhân, một hộ lý khác dùng thìa gỗ ấn lưỡi và dùng tay bóp mũi bệnh nhân, cho đến khi bệnh nhân không còn phản ứng gì nữa. Trong các ca trực của Wagner số lượng bệnh nhân chết cao gấp 6 lần những ca trực của các hộ lý khác.

Điều lạ, trong suốt thời gian 4 ả y tá ra tay không một ai nhận thấy số lượng một số loại thuốc sử dụng tăng cao, số bệnh nhân tử vong tăng khác thường. Bởi vậy, công luận lên án gay gắt nhất là sự vô cảm của nhân viên bệnh viện khi họ nói là không nhận thấy gì khác thường cả! Công luận cũng chỉ trích việc tại sao các y tá ở bệnh viện Lainz được làm những công việc họ không được phép làm và tại sao sau đó không một ai bị truy cứu trách nhiệm cả.
 
Kết cục

Bộ tứ "thiên thần chết chóc" bị lộ khi một nạn nhân của chúng sống sót và tố cáo. Tháng 4/1989, Wagner và Meyer cho bệnh nhân Franz K. Bị rối loạn tiền đình dùng Insulin liều cao. Tuy vậy, may mắn cho bệnh nhân này không bị tiểu đường. Khi một bác sĩ ngẫu nhiên phát hiện bệnh nhân Fran K. ở hành lang thì bệnh nhân này đã đang hấp hối. Bác sĩ lập tức xử lý tình trạng hạ đường huyết cấp. Sáng hôm sau, bệnh nhân Fran K. tỉnh lại và ngày hôm sau vụ việc được báo cho cảnh sát và ngày 7/4, nhóm y tá bị bắt giữ.

Khi bị hỏi cung chúng đổ tội cho nhau. Hồ sơ cáo trạng đề cập đến 49 nạn nhân, 42 vụ trong đó đã được chứng minh trước tòa. Đầu năm 1991, tòa tuyên xử Waltraud Wagner và Leidolf án tù chung thân. Stefanija Meyer lĩnh 20 năm và Maria Gruber 12 năm tù.

Vì vụ scandal khủng khiếp đó, bệnh viện Lainz đã phải đổi tên thành bệnh viện Hietzing. Tuy nhiên, người dân Thủ đô Viên vẫn quen gọi đó là bệnh viện Lainz.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm