pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bông hồng xanh" ở Vườn quốc gia Cúc Phương
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền và chồng, ông Tilo Nadler, một chuyên gia người Đức trong lĩnh vực bảo tồn - Ảnh: NVCC
Hành trình bỏ phố về rừng
Sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Hiền có một tuổi thơ gắn liền với nhịp sống sôi động của đô thị. Đầu năm 1993, trước khi trở thành sinh viên khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), người con gái Hà thành mới 20 tuổi đã có cơ duyên bước vào "một thế giới mới" là làm cộng tác viên cho Dự án "Chương trình bảo tồn loài Voọc mông trắng và tăng cường công tác bảo vệ Vườn Quốc gia Cúc Phương".
Giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, Thu Hiền như tìm thấy một phần của chính mình - khao khát bảo vệ và duy trì vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hóa.
Cuộc đời của chị thay đổi khi gặp được ông Tilo Nadler, một chuyên gia người Đức trong lĩnh vực bảo tồn. Theo chân ông làm phiên dịch, trợ lý, rồi không biết tự bao giờ, chị say mê cả công việc lẫn tâm hồn người đàn ông gốc Do Thái ấy.
Trải qua nhiều chuyến tuần tra rừng cùng kiểm lâm Cúc Phương, tham gia giải cứu động vật hoang dã, chị không chỉ tìm thấy niềm đam mê với bảo tồn, mà còn tìm được "một nửa" của cuộc đời mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học được vài tháng, mặc cho sự ngăn cản của gia đình cũng như điều kiện phát triển sự nghiệp ở thành thị, chị Hiền đã quyết định bỏ phố về rừng, cùng ông Tilo ở lại Cúc Phương gắn bó với đại ngàn, góp sức bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp.
Tháng 10/1997, chị Hiền chính thức làm việc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Kể từ đó, chị Hiền cùng ông Tilo và các cộng sự đã tích cực thực hiện nhiều công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu về các loài linh trưởng của Việt Nam, cứu hộ động vật hoang dã...
Trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2010, mỗi năm, chị đã tham gia 12-15 lượt cứu hộ giải cứu linh trưởng trên toàn quốc. Số lượng động vật được cứu hộ về nhiều, công tác phục hồi sức khỏe và chăm sóc chúng rất vất vả.
Chị còn tham gia tuần tra rừng, công tác ngoại nghiệp điều tra thường kéo dài 1 - 2 tuần, thậm chí là cả tháng trời. Những cuộc tuần tra đầy thử thách nhưng cũng đong đầy kỷ niệm. Chị Hiền nhớ như in những lần phải băng rừng vượt suối, những đêm mưa dầm nằm lạnh giữa rừng sâu.
Có khi, cả đội phải di chuyển suốt đêm hay ngủ ngoài ruộng mía để theo dõi băng nhóm chặt phá rừng hay săn trộm, lúc nào cũng trong tình trạng cảnh giác cao độ. Những chuyến đi đó không chỉ rèn luyện sức mạnh thể chất, mà còn thử thách tinh thần và lòng kiên trì của chị cùng đồng đội.
Chị Hiền bộc bạch: "Đằng sau mỗi cá thể voọc hay vượn mà chúng tôi cứu hộ về trung tâm, thường có 4-5 cá thể khác bị chết. Để bắt được một con voọc hay vượn con, người ta thường phải giết voọc cha mẹ hoặc những con trưởng thành trong đàn. Đây chính là lý do chủ yếu dẫn đến số lượng của linh trưởng trong tự nhiên bị suy giảm mạnh".
"Bảo tồn không là việc của riêng ai"
Theo chị Hiền, mỗi loài động vật, dù lớn hay nhỏ, đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Sự hiện diện của chúng góp phần duy trì sức khỏe và sự bền vững của rừng, từ đó ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái mà con người cũng là một phần trong đó.
Công việc của chị trước năm 2017 không chỉ là giải cứu những cá thể động vật mà còn là giữ gìn và phục hồi môi trường sống của chúng.
Từ năm 2018 đến nay, chị Hiền đang làm việc cho tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế của Bỉ là Three Monkeys Wildlife Conservacy, với mục tiêu bảo tồn những cánh rừng, nơi các loài linh trưởng sinh sống.
Hiện nay, gia đình chị Hiền không còn sống và làm việc tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Họ đã chuyển sang ngôi nhà mới trên một quả đồi nhỏ nằm trong xã Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), còn hai cậu con trai đã vào đại học chuyên ngành kiến trúc.
Cặp vợ chồng ấy vẫn đang tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.