Văn hóa - giải trí

Bùi Duyên với 'Hạnh phúc không bao giờ muộn, phải không anh?'

30/05/2018 - 02:56 PM
Mời bạn đến với Bài dự thi số 10, cuộc thi đọc truyện "Hạnh phúc gia đình" do Báo PNVN tổ chức, với phần thể hiện tác phẩm "Hạnh phúc không bao giờ muộn, phải không anh?" của bạn Bùi Thị Duyên (xóm Yên Trung, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Mỗi lần giở lại tập ảnh cũ của gia đình, cô con gái lúc nào cũng thắc mắc:
- Mẹ à, ảnh cưới ngày xưa của bố mẹ đâu hết rồi ạ? Con muốn nhìn thấy mẹ mặc váy cưới.
- Hồi ba mẹ cưới nhau, chẳng có được tấm hình, nói chi đến chuyện áo váy hả con.
- Sao vậy mẹ?

- Vì điều kiện không cho phép con à.

Dường như đối với bọn trẻ, chuyện cô dâu không mặc váy cưới, không được chụp ảnh kỷ niệm trong đám cưới là điều ngạc nhiên nhất.

Hồi đó, gia đình hai bên nội ngoại đều nghèo. Đám cưới anh chị cũng chỉ làm vài ba mâm mời họ hàng thân thích. Lúc đó chị chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Chỉ biết yêu anh và tự hứa sẽ cùng chồng làm ăn để thoát cảnh nghèo. Vậy mà cũng đã gần 30 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, ngắm lại thành quả, cơ ngơi mà hai vợ chồng có được, chị không khỏi ngậm ngùi: Bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống. Cảm ơn cuộc đời đã cho chị sức khỏe, nghị lực mới có ngày hôm nay.

Hồi đó trong làng, chị cũng giống như bao nhiêu người con gái khác, học xong cấp ba là nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Là con gái duy nhất trong gia đình, tính chị siêng năng, cần mẫn, lại nhanh nhẹn, chị gần như gánh vác hết công việc chợ búa, cơm nước, giặt giũ, đồng áng.

Nhà chị ở cuối làng, nhà anh ở đầu làng. Ngày ngày thấy người con gái vóc dáng mảnh dẻ, có mái tóc đen dày, lúc nào cũng búi một cuộn to tròn trên đầu, làm việc suốt ngày, luôn tay, luôn chân, đi về như con thoi, anh đem lòng yêu thương và ngỏ lời cưới chị làm vợ. Chẳng màu mè khách sáo, chị nhận ra ở anh sự kiên nghị, chín chắn, điềm đạm nên nhận lời yêu anh. Hồi đó, trong làng chẳng có nhà nào khá giả. Khá lắm cũng chỉ nhà tranh vách đất, đủ ăn, đủ mặc là may.

Những ngày đầu về nhà chồng, trong căn nhà trống hoác, trống huơ, đêm đêm hai vợ chồng bàn cách làm ăn, vực kinh tế dậy. Chỉ cần siêng năng, cần cù và có kế hoạch nhất định thành công. Anh chị bàn bạc và xin bố mẹ chuyển ra ngoài đồng làm trang trại chăn nuôi gà, vịt, lợn, đào ao thả cá. Những ngày đầu bàn tay anh chị chai sạn, nham nhở vì đào đất. Hai vợ chồng làm thâu đêm, suốt sáng không biết nghỉ ngơi là gì.

Nhất là khi có con nhỏ, cuộc sống lại càng chật vật, khó khăn hơn. 3 đứa trẻ nheo nhóc theo bố mẹ ra ngoài đồng. Không hiểu vì sao, lúc nào trong đầu óc của chị cũng xuất hiện ý nghĩ: Nhất định sẽ phải thành công, phải thoát khỏi cảnh nghèo đói, phải vươn lên làm giàu. Hai vợ chồng luôn động viên nhau sau những giây phút lao động mệt nhọc. Chính tình cảm yêu thương vợ chồng, vì tương lai con cái đã trở thành động lực để giúp anh chị nắm tay nhau bước qua giai đoạn khó khăn nhất.   

fashion-man-couple-256737.jpg
Ảnh minh họa
 

Dường như không phụ công người, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng anh chị cũng đã thành công và có thu nhập đáng kể từ mô hình vườn, ao, chuồng. Dần dần có vốn liếng, cơ chế kinh tế thị trường mở ra, anh chị mua thêm đất, phát triển vườn cao su, trồng tràm, bạch đàn, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc vừa tăng nguồn thu nhập. Anh chị mở đại lý buôn bán xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, cung cấp cho cả xã. Có điều kiện, anh chị đầu tư cho con cái học hành. Ba đứa con của anh chị đều thành đạt, giỏi giang, ngoan ngoãn. Đứa là giảng viên Học viện quân sự, đứa đi du học, đứa làm phiên dịch. Không đứa nào dựa dẫm hay ỷ lại vào bố mẹ.

Khi anh chị bước sang tuổi 60, có trong tay mọi thứ, được gọi là tỷ phú của xã. Các con đề nghị bố mẹ nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, thuê người làm. Biết bố mẹ ngày xưa chưa có một đám cưới đúng nghĩa. Các con đã bí mật chuẩn bị tổ chức cho bố mẹ cưới lại nhân dịp 30 năm ngày cưới. Lúc đầu anh chị không chịu nhưng sự đã rồi. Chị lúng túng trong bộ váy cưới, anh cũng ngượng nghịu trong bộ com lê nhưng ai cũng vui. Chị cười, mắt ngân ngấn lệ: “Tự nhiên nhớ ngày xưa quá, ngày chúng ta còn son trẻ ấy. Em làm cô dâu mà không có váy cưới. Sao hồi đó em không hề có chút tủi thân, hay oán trách gì anh nhỉ? Có lẽ vì em biết, cuối cùng em cũng sẽ được mặc, được khoác lên mình chiếc áo cưới đầy ý nghĩa. Nó được ghi dấu bằng những năm tháng nhọc nhằn, vất vả. Tình yêu và sự nỗ lực của chúng ta đã được đáp đền. Hạnh phúc là điều không bao giờ muộn, phải không anh?”.

Mời bạn theo dõi Thể lệ cuộc thi đọc truyện "Hạnh phúc gia đình" tại địa chỉ sau đây 

http://phunuvietnam.vn/cuoc-thi-doc-truyen-hanh-phuc-gia-dinh.html

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn