Đầu tháng 4/2018, Uber chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam đã tạo cú hích cho các ứng dụng gọi xe Việt bùng nổ. Các hãng taxi đua nhau mở ứng dụng gọi xe, mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn mới.
Tại kho ứng dụng của Google Play hay Apple Store, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hãng taxi đã nhanh chóng cập nhật “công nghệ Uber” vào trong dịch vụ của mình, từ các hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun, đến các hãng Taxi Long Biên, Thành Công, Sao hà Nọi, Phù Đổng...
Các công ty vận tải cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, tiêu biểu nhất là công ty cổ phần xe khách Phương Trang, đã đầu tư tới 2.200 tỷ đồng vào lĩnh vực gọi xe công nghệ qua phần mềm ứng dụng VATO ra mắt vào cuối tháng 4/2018. Bên cạnh đó là sự góp mặt của hàng loạt các ứng dụng Việt khác như kết nối các dịch vụ từ xe máy cho tới xe 4 chỗ, 7 chỗ, xe taxi, xe cao cấp, xe vận tải hàng hóa... như T.NET, Didi Việt Nam, Xelo, Go-ixe...
Dịch vụ cải tiến hơn
Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ “nội địa” này không chỉ mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn, mà để cạnh tranh, các ứng dụng cũng nâng cấp nhiều tiện ích và đáp ứng đa dạng nhu cầu của người sử dụng. Cũng giống như những ứng dụng đặt xe trước đó, các ứng dụng gọi xe Việt hoạt động trên cả hệ điều hành IOS và Android, người dùng dễ dàng sử dụng, chỉ cần điện thoại thông minh, kết nối Internet hoặc mạng 3G, 4G.
Nếu sử dụng dịch vụ của Uber, Grab trước đây, khách hàng lựa chọn địa điểm, lựa chọn xe và trả tiền theo giá có sẵn của nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thì với một số ứng dụng gọi xe Việt, khách hàng không chỉ lựa chọn được những cuốc xe giá rẻ, mà còn có thể mặc cả, thậm chí trả tiền sau. Cụ thể, ứng dụng gọi xe VATO cho phép người dùng mặc cả với lái xe, với giá tối thiểu dịch vụ đưa ra, để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Giá cước của VATO ở mức 8.500 đồng/km.
Tương tự như vậy, ứng dụng Xelo cho phép lái xe tự thiết lập mức giá dựa vào chất lượng xe và mong muốn của lái xe. Trên nguyên tắc tự cân bằng, hệ thống sẽ đặt ra các tiêu chí ưu tiên về giá, chất lượng xe, sao của lái xe... để tự động lựa chọn cho hành khách một xe tối ưu nhất. Nếu lái xe muốn tăng tính cạnh tranh sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ và lựa chọn mức giá phù hợp.
Người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn
Hiện nay, đối tượng phục vụ của các nhà xe công nghệ cũng đang ngày được mở rộng hơn, không chỉ chú trọng tại các thành phố lớn, mà còn hướng đến các tỉnh nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, ứng dụng của các kỹ sư phần mềm Việt còn đánh trúng tâm lý người dùng Việt với các tính năng:
Tìm chuyến xe miễn phí, Đăng ký chuyến xe giá rẻ được hiển thị ngay ra menu ngoài, giúp người dùng nhận biết tất cả các chương trình khuyến mãi hiện có trước khi đặt xe và sử dụng được ngay. Thêm một ưu đãi với khách hàng, đó là một số ứng dụng đã cho phép thanh toán theo hình thức thấu chi, đi xe trước, trả tiền sau, phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các công ty, cơ quan, công sở...
Có thể nói, sự xuất hiện của những ứng dụng gọi xe Việt đã mang đến nhiều cơ hội cạnh tranh giữa các nhà cung cấp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thượng đế. Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thêm nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe thì dịch vụ vận tải càng được cải thiện và người tiêu dùng sẽ càng được hưởng lợi nhiều hơn.
Một số ứng dụng gọi xe Việt tiêu biểu trên thị trường hiện nay: Ứng dụng VATO của Phương Trang, có các dịch vụ: xe ô tô, xe mô tô (xe ôm), các dòng xe máy cao cấp và vận chuyển hàng. Ứng dụng taxi T.NET: do nhóm giảng viên và sinh viên ĐH FPT phát triển, hiện đang có 8 hạng xe dịch vụ, từ bình dân đến cao cấp gồm xe mô tô (xe ôm), xe hơi và taxi. Ứng dụng của hãng taxi Mai Linh dành cho xe ô tô, xe máy và xa máy cao cấp Ứng dụng DiDi Việt Nam liên kết với nhiều hãng taxi uy tín để phục vụ nhu cầu đi lại của người dùng. Ứng dụng Xelo hoạt động như một sàn giao dịch vận tải hành khách, dành cho cả taxi truyền thống và công nghệ. |