pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bùng nổ công nghệ hữu ích để "né" Covid-19
Công nghệ làm việc từ xa
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 xảy ra, xuất hiện theo nó là một trào lưu tiến hóa mới, một hình thái xã hội mới "âm thầm nhưng sôi động". Một trong những hình thái kiểu này là công nghệ làm việc từ xa (Remote work hay RW). RW được kích hoạt bởi các công nghệ bao gồm mạng riêng ảo (VPN), giao thức thoại qua internet (VoIP), họp hành ảo, công nghệ đám mây, công cụ cộng tác trong công việc và thậm chí cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho phép một người xuất hiện trước nền ảo để bảo vệ quyền riêng tư của ngôi nhà. Ngoài việc ngăn chặn sự lây lan của virus, làm việc từ xa RW còn giúp tiết kiệm thời gian và mang lại sự linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, RW cũng đặt ra nhiều thách thức cho người sử dụng lao động và người lao động, nhất là nguy cơ duy trì việc làm, thu nhập. Bảo mật thông tin, quyền riêng tư và hỗ trợ công nghệ kịp thời hay làm phức tạp các vấn đề về luật lao động, liên quan đến việc cung cấp một môi trường làm việc an toàn và các vấn đề về thuế thu nhập... Về phía người lao động, nhân viên có thể cảm thấy cô đơn và thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Theo cuộc điều tra mang tên The State of Remote Work (Báo cáo trạng thái làm việc từ xa) do công ty tư vấn Buffer và Angel, Mỹ thực hiện, phản hồi của người lạo động về RW cũng không đồng nhất: 20% cộng tác làm việc, 20% cảm thấy cô đơn; 18% không thể rời máy tính; 12% mất tập trung khi ở nhà; 10% khó khăn khi làm việc khác múi giờ ; 7% luôn duy trì động cơ làm việc; 5% dành thời gian cho chuyên môn; 3% tìm kiếm wifi đáng tin cậy và 5% là các lý do khác.
Công nghệ số hóa giải trí
Số hóa giải trí (Digitization of entertainment) là công nghệ phát triển mạnh thời Covid, dẫn đầu là truyền phát trực tuyến và chơi game. Trong bối cảnh COVID-19 phủ sóng toàn cầu, lĩnh vực giải trí trực tuyến lên ngôi. Ví dụ, mạng Netflix đã thêm hơn 26 triệu thuê bao mới trong nửa đầu năm 2020, nâng tổng số toàn cầu lên hơn 193 triệu. Hãng này đã chi hơn 15 tỷ đô la Mỹ cho nội dung vào năm 2019, đứng thứ ba trong số các studio và nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến. Tốc độ tăng trưởng năm 2020 tăng hơn 10% nhưng công ty này vẫn dẫn đầu so với nhiều đối thủ truyền thống và phát trực tuyến về nội dung gốc.
Việc áp dụng trò chơi trực tuyến cũng diễn ra nhanh, các công ty trò chơi điện tử được hưởng lợi từ nhu cầu tăng nhanh tương tự như những gì thường thấy trong các kỳ nghỉ lễ. Twitch, nền tảng phát trực tiếp trò chơi điện tử của Amazon, có mức tăng trưởng 100% hàng năm về số giờ đã xem; Twitch cũng đạt lượng người xem đồng thời kỷ lục (4,3 triệu). Hay hãng Tencent của Trung Quốc, công ty trò chơi lớn nhất thế giới tính theo doanh thu - đã đạt mức chi tiêu kỷ lục hàng ngày và số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) cho các trò chơi Honor of Kings và Peacekeeper Elite (cộng lại khoảng 200 triệu DAU) trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Game vẫn được xem là một trong những hình thức giải trí ít tốn kém nhất nhưng theo một số nhà phân tích dự đoán, việc chuyển sang giải trí kỹ thuật số có thể cải thiện lợi nhuận của chủ sở hữu nội dung. Tuy nhiên, trò chơi điện toán đám mây - cung cấp quyền truy cập vào bất kỳ trò chơi nào, ở bất kỳ đâu, trên mọi thiết bị - đã nổi lên như một nền tảng chính tiếp theo trong trò chơi điện tử trong tương lai nhất là khi con người ta phải sống cách ly vì Covid-19.
IoMT và Telehealth, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe chủ động
IoMT là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Internet of Medical Things (có thể hiểu Internet vạn vật trong y tế), nó đang chiếm vị trí trí quan trọng trong thời đại 4.0, đặc biệt là khi đại dịch bùng phát, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chủ động ở khoảng cách xa. Các ứng dụng đã rất đa dạng, từ các thiết bị đeo được kết nối báo cáo dữ liệu bệnh nhân quan trọng cho đến việc triển khai "giường thông minh" trong môi trường bệnh viện để cải thiện sự thoải mái cho người nhân.
Cùng với IoMT là những tiến bộ của Telehealth trong tương lai sẽ mang lại những điều tốt nhất cho con người trong bối cảnh cách ly. Stephanie Willding, Giám đốc điều hành CommunityHealth, trung tâm y tế miễn phí dựa trên tình nguyện viên lớn nhất Mỹ cho biết: "Đại dịch chỉ ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe lấy bệnh nhân làm trung tâm, trong đó vai trò của Telehealth là rất thiết yếu, không thể phủ nhận".
Telehealthcare (một nhánh của Telehealth) dùng để mô tả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ xa thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tư vấn, thăm khám, theo dõi tình hình sức khỏe. Mô hình CommunityHealth được xem là trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe từ xa ưu việt nhất cho con người hiện tại và tương lai gần. Lợi thế của Telehealthcare rẻ hơn rất nhiều so với chi phí khám chữa bệnh thông thường; không mất chi phí đi lại, vận chuyển. Chỉ cần cuộc điện thoại là được đáp ứng dịch vụ tư vấn y tế, dịch vụ do các chuyên gia giáo sư, bác sỹ đầu ngành đảm nhận.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử trí tình huống khẩn cấp hay dự phòng về các loại dịch bệnh. Telehealth không thay thế hoàn toàn được khám chữa bệnh trực tiếp nhưng là công cụ bổ trợ ưu việt vì tiến độ nhanh và thuận tiện. Nó khắc phục cho tình trạng quá tải của hệ thống bệnh viện, thiếu nhân lực y tế, bệnh truyền nhiễm, bệnh lạ, bệnh mới khó lường hiện đang có nguy cơ quay trở lại và bùng phát mạnh.