Ca sĩ Ánh Tuyết: Rổn rảng mà vui sống

24/08/2015 - 16:09
Ánh Tuyết là vậy, khóc đó mà cười đó, chẳng điều gì buồn phiền có thể chất chứa trong lòng quá lâu. Bởi thế mà chị ngày càng trẻ đẹp và luôn bằng lòng cuộc sống hạnh phúc hiện tại.

Lời cầu hôn bất ngờ



Vợ chồng Ánh Tuyết - Michel Jarnie sống trong con hẻm nhỏ trên đường Võ Văn Tần, Q.3. TPHCM. Hẻm ngoằn ngoèo, phía ngoài còn thấy rộng rãi, càng đi vô trong càng hẹp. Bởi vậy mà Ánh Tuyết gần 20 năm nay chỉ tốn tiền đi taxi chứ không mua xe hơi. “Đậu xe ở đâu bây giờ, giữa Sài Gòn xô bồ toàn người và xe này!”. Câu chuyện của chúng tôi đến một cách tự nhiên như thế, giữa phòng khách nhà chị. Bên cạnh đó, tiếng chén bát lách cách của hộ hàng xóm rộn lên. Nữ ca sĩ khoát tay chỉ vô cánh cửa gỗ đóng im ỉm: “Chồng chị đang nằm nghỉ mệt ở trỏng kìa em. Mấy ngày nay, ổng cảm sốt nóng lạnh. Chắc do thời tiết mưa nắng thất thường”.

Chuyện tình nên nghĩa vợ chồng của cặp đôi này vô cùng thú vị, qua lời kể hay chuyện rặt âm sắc địa phương Nam Trung bộ của Ánh Tuyết. Thoắt cái, chị “đã có chồng” được 20 năm. Năm 1993, Ánh Tuyết thường tới phòng trà Văn Nghệ trên đường Lam Sơn, Q.Bình Thạnh, biểu diễn. Tối buồn buồn, anh Michel ghé qua chơi. Ngày đầu tiên, chàng nhìn thấy nàng, mặc áo dài tha thướt đi ngang qua, đã quá ấn tượng rồi. Chỉ vài giây sau thì chính thức “đứng hình” khi chứng kiến trên sân khấu, người đẹp thể hiện tuyệt vời bài hát Dòng sông xanh. Tiếng sét ái tình đã đánh gục Michel. Anh nhờ ông chủ quán làm mai mối nhưng ông mai này “vô duyên” cho biết cô ca sĩ đã có “người thương”. Rồi công ty của Michel chuyển tới đối diện phòng trà. Cứ đến 21h, cho dù đã cầm cuốn sách yên vị ở trên giường rồi, mà giọng hát của Ánh Tuyết cứ véo von cất lên khiến anh chàng si tình không chịu nổi. Lại phải qua đó thưởng thức.

Dần dần, Michel mới biết Ánh Tuyết còn độc thân và làm quen được với người đẹp. Tưởng mọi thứ “xuôi chèo mát mái”, ai dè Ánh Tuyết nói: “Khi nào nói chuyện được bằng tiếng Việt thì mới tính có quen hay không!”. Vậy là anh chàng người Pháp này lao vào học tiếng Việt. Chỉ trong 2 tháng, anh đã có thể tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ của người con gái mình yêu.

“Đùng một cái vào buổi sáng bữa ấy, ông chủ phòng trà Văn Nghệ chở anh Michel tới nhà tôi, mời đi ăn sáng. Khi ngồi vào bàn, Michel đưa ra lá thư xin được cưới Ánh Tuyết. Tôi hết hồn hỏi, sao anh muốn lấy vợ Việt Nam? Ồ không phải, chỉ là muốn lấy người phụ nữ này! Michel chỉ tay vào tôi, trả lời. Lại hỏi tiếp: Tôi chỉ là ca sĩ, đi hát suốt ngày đó nha! Không sao, người đàn ông phải lo được gia đình của mình. Tiếp tục: Tôi chỉ biết ăn mà không biết nấu ăn, anh chịu được không? Ok, Michel lấy vợ chứ không lấy người nội trợ! Vậy thì người Việt Nam có câu: Cưới vợ phải cưới liền tay đó anh! Tuyệt quá - Michel trả lời - ngày mai cưới nhé!”, Ánh Tuyết cười tươi kể lại câu chuyện tình yêu thú vị của mình.

Từ hôm ấy, chị rất có cảm tình với anh chàng người Pháp thật thà và nhận lời làm bạn gái của anh. Cứ mỗi sáng, nữ ca sĩ mở cửa bước ra là thấy bó hoa hồng anh đặt tặng trước cửa. Gần 1 năm sau, họ chính thức làm đám cưới, trở thành vợ chồng của nhau.

“Sóng gió”

Nghe Ánh Tuyết chuẩn bị cưới chồng, người mừng nhất là má chị. Bình thường, “bà quýnh lên bởi thấy con gái đã 35 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu lấy ai”. Đám cưới Ánh Tuyết có một không hai, khi được anh em văn nghệ tổ chức tại Hội quán Nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn thấy bên nhà trai “hẻo” người quá, bèn xung phong làm đại diện. Mỗi người một chân một tay phụ cô dâu chú rể, từ khâu phát thiệp mời đến việc đón tiếp khách khứa. Khách kéo tới rần rần, vô cùng đông vui nhưng không biết để tiền mừng cưới ở đâu, bởi chiếc thùng đựng tiền chẳng ai nhớ mang ra. Vậy là khách cứ tới ăn tiệc và cũng hồn nhiên mang tiền mừng về luôn, khiến vợ chồng Ánh Tuyết - Michel bị “lỗ” nặng.

Sau đám cưới, Ánh Tuyết mang bầu liền. Cả gia đình chồng cùng bạn bè gom lại tặng được khoảng 5 ngàn USD. Để tiết kiệm có tiền nuôi con, vợ chồng chị thuê căn phòng nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, Q.3. Vì công việc, Michel phải về nước một thời gian. Trước khi đi, anh dặn vợ: “Em nhớ giữ khoản tiền đó thật kỹ lưỡng, đừng cho ai mượn. Cuối năm chúng ta còn phải mua vé máy bay cho con về thăm ông bà nội nữa!”. Trời xui đất khiến làm sao, Michel chỉ đi được vài ngày thì có người bạn gái ghé thăm. Cô khóc lóc kể chuyện thiếu trước hụt sau của mình và hỏi mượn tiền. Ánh Tuyết thật thà: “Vợ chồng mình chỉ có 5 ngàn USD để dành cho việc sinh con và về Pháp. Nếu cho mượn, mình biết lấy đâu ra tiền để lo cho con trong khi chồng đi vắng?”. Người bạn thề thốt đến cuối tháng sẽ trả ngay. Ánh Tuyết đưa toàn bộ số tiền có được cho bạn mượn.

Song, đáp lại sự thật thà của Ánh Tuyết, tiền chẳng những không đòi được, mà bạn cũng tạm biệt đi luôn. Những năm đầu sau đám cưới, mang tiếng là lấy chồng nước ngoài nhưng cuộc sống vật chất của gia đình Ánh Tuyết vô cùng khốn khó. Anh Michel là người chỉ thuần làm về kỹ thuật, không rành kinh doanh. Ngành nghề mà anh yêu thích và theo đuổi bao nhiêu năm nay, chính là việc chống thấm trong xây dựng.

Cũng năm đầu trong hôn nhân ấy, Ánh Tuyết bị mất 2 chiếc xe gắn máy. Chị đã đứng trong khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo khóc tu tu, bởi sợ hãi trước những bất an trong cuộc sống. Có lần, ông xã Michel về, đưa cho Ánh Tuyết tờ giấy ghi bằng tiếng Pháp, nói vợ ký đi. Ánh Tuyết hỏi, giấy gì đây, Michel trả lời, đó là tờ giấy từ chối tài sản bên chồng, nếu như 2 vợ chồng ly dị.

“Tôi đã bị sốc nặng về sự khác biệt văn hóa ấy, nức nở không thành tiếng vì cảm thấy vô cùng xúc phạm. Lúc đó, tôi đã nghĩ tới chuyện ly hôn nhưng nghĩ đứa con đang nằm trong bụng mình sẽ ra sao khi chào đời mà không có bố. Hẳn nó sẽ cảm thấy lạc lõng và đau lòng lắm. Nên tôi đành thôi!”, nữ ca sĩ tâm sự.

Từ lúc đó, chị bắt đầu biết tập trung vào kinh doanh để chồng và gia đình chồng phải tâm phục khẩu phục. Cuộc sống hôn nhân dần vượt qua sóng gió để tới giai đoạn bình lặng và thấu hiểu hơn. Ánh Tuyết thành lập phòng trà cho ban nhạc ATB, rồi mở công ty xây dựng, trúng nhiều gói thầu lớn. Thêm nữa, do cái duyên mua bán đất động sản, mà chủ yếu chỉ mua chứ bán đi rất ít, Ánh Tuyết đã dần dần có trong tay nhiều miếng đất lớn giá trị. Hiện nay, chị đang tập trung xây dựng khuôn viên rộng 3 hecta tại Hóc Môn. Ở đó có cây cỏ, sân vườn, hồ bơi đẹp đẽ. Chị tâm sự: “Má tôi già rồi, muốn con cháu xum vầy. Nên tôi cố gắng hoàn thành công trình này, để đón má về sống cùng con cùng cháu những ngày cuối đời”.

Cốt nết phụ nữ tần tảo

Sinh ra trong 1 gia đình nghèo đông con ở vùng Quảng Nam, sau nhiều năm bôn ba lập nghiệp và thành đạt, nhưng Ánh Tuyết vẫn tự nhận mình mang cốt nết của người phụ nữ miền Trung chịu thương chịu khó.

Đầu những năm 1990, khi vừa khăn gói vào Sài Gòn đi hát, phải chầu chực rất khổ sở, cực nhọc, Ánh Tuyết đã muốn bỏ nghề. Chị ngồi trên vỉa hè ở chợ Tân Định, suy nghĩ về việc không đi hát nữa mà buôn bán kiếm sống. Bất chợt, Ánh Tuyết nhìn thấy bà cụ già đi ngang qua, bưng thúng bánh mỳ. “Tôi nghĩ bà cụ ấy chẳng biết bán bao nhiêu chiếc bánh mới đủ tiền ăn, trong khi mình “hả” miệng ra hát 15 phút, cũng có 30 ngàn đồng rồi. Cho dù chi phí đi lại, thuê nhà chỉ vừa đủ ăn nhưng cũng không tới nỗi chết đói. Thôi kệ, “chơi” tiếp vậy!”, Ánh Tuyết nhớ lại.

Rồi, đời người ăn nhau ở hậu vận. Càng ngày cuộc sống của bản thân và gia đình Ánh Tuyết càng tốt đẹp hơn. Chị nói, trong tình yêu và hạnh phúc, cứ muốn ổn là sẽ ổn thôi. Sắp tới, con trai Toàn Henri Jarnie của chị sang Thụy Sĩ du học, anh Michel qua Pháp học thêm “cua” ngắn hạn về chống thấm, chị ở Sài Gòn một mình mà không buồn, bởi đang rất nhiều kế hoạch xây dựng chốn đi về ở Hóc Môn.

Ánh Tuyết khoe, chị có cách nuôi heo rất hay và chị sẽ mua máy cắt bắp chuối thật chuyên nghiệp để nấu cho heo ăn. Nồi cám heo chị nấu ra thơm phức, các chú heo lớn lên với các thớ thịt chắc nụi. Chừng đó thôi, cũng đủ thấy vui vẻ và yên bình rồi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm