Ca sĩ Phúc Tiệp hát về người thợ lò, tiết lộ góc khuất ít biết của công nhân mỏ

Minh Anh - Ảnh: Hòa Nguyễn
09/11/2022 - 19:28
Ca sĩ Phúc Tiệp hát về người thợ lò, tiết lộ góc khuất ít biết của công nhân mỏ
Để ghi hình MV “Tôi là người thợ lò”, ca sĩ Phúc Tiệp và ê-kíp đều phải ký cam kết việc xuống hầm mỏ là hoàn toàn tự nguyện, nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn chấp nhận, không khiếu nại.

Ngày 9/11, giọng ca opera Phúc Tiệp chính thức giới thiệu MV "Tôi là người thợ lò". MV được anh chọn ra mắt cận kề dịp kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ 12/11.

Quay MV trong lòng đất sâu 175m

Phúc Tiệp cho biết, MV "Tôi là người thợ lò" được anh ghi hình từ năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng phải đến bây giờ mới chọn được thời điểm phù hợp để ra mắt khán giả.

Nam ca sĩ chia sẻ, cách đây 3 năm anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế "Sống ở mỏ" phát trên sóng VTV3 nên có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ, từ khoan vỉa than, ngồi nặn "bua mìn", nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục kg xuống mỏ sâu, sửa chữa máy móc vận hành trên mặt đất… Khi nhận lời mời tham gia chương trình này, anh đã nghĩ tới việc sẽ làm MV "Tôi là người thợ lò" quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ.

Cảnh quay trong hầm lò cùng các công nhân mỏ của ca sĩ Phúc Tiệp

Cảnh quay trong hầm mỏ cùng những người thợ lò của ca sĩ Phúc Tiệp

Nhắc lại trải nghiệm này, Phúc Tiệp kể, anh đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày. Nam ca sĩ kể, chứng kiến thực tế anh mới biết, toàn bộ nền địa tầng bên dưới hầm lò sâu cả vài trăm mét kia là những vỉa than, mỏ than, ở dưới đó các công nhân thở qua đường dẫn ôxy chung chạy từ trên mặt đất, không gian bụi mù mịt khủng khiếp mỗi khi có mũi khoan được dí vào vỉa than để khoan… Mồ hôi chảy ra quện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem không chỉ mặt mũi mà toàn bộ từ trên đầu xuống dưới chân, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng là trắng… Nhưng những người thợ mỏ vẫn rất yêu đời, lạc quan.

"Nơi mà các công nhân mỏ làm việc sâu tới tận 175m, thậm chí có những hầm lò sâu đến vài ba trăm mét. Người ta có câu "ăn cơm dương gian nhưng làm việc địa phủ" để nói về công việc lao động của những người thợ lò có lẽ bởi vậy. Trong hầm sâu và tối, chỉ cần tắt chiếc đèn pin đeo trên đầu, không gian xung quanh tối đen như địa phủ. Tôi muốn ghi lại sự hy sinh của họ trong MV này!", Phúc Tiệp xúc động nhớ lại.

Phúc Tiệp tiết lộ, anh và toàn bộ mọi người bao gồm đạo diễn, quay phim, kỹ thuật... trước khi xuống hầm lò đều phải ký cam kết việc xuống đó là hoàn toàn tự nguyện, nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn chấp nhận, không khiếu nại.

MV "Tôi là người thợ mỏ"

Ngoài những cảnh quay trong hầm lò sâu 175m thì MV "Tôi là người thợ lò" cũng có một số bối cảnh quay khác ở những mỏ than lộ thiên trên mặt đất và cả  ở đỉnh núi Bài Thơ, Hạ Long, Quảng Ninh.

Hát nhạc xưa khi thấy mình đủ va vấp

Cũng trong ngày 9/11, đồng thời với MV "Tôi là người thợ lò", ca sĩ Phúc Tiệp còn ra mắt album nhạc xưa với tựa đề "Vết xưa". Album gồm 9 nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: "Mùa hè đẹp nhất", "Mùa đông sắp đến", "Cơn mưa phùn" (Đức Huy), "Căn nhà xưa" (Nguyễn Đình Toàn), "Như chiếc que diêm", "Mắt lệ cho người" (Từ Công Phụng), "Một lần nào cho tôi gặp lại em", "Rồi cũng già" (Vũ Thành An), "Chiều một mình qua phố" (Trịnh Công Sơn).

NSND Quang Thọ chúc mừng ca sĩ Phúc Tiệp ra mắt album và MV

NSND Quang Thọ chúc mừng ca sĩ Phúc Tiệp ra mắt album và MV

Chia sẻ về việc bỗng dưng "rẽ" sang hát một dòng nhạc khác với niềm đam mê opera của mình, Phúc Tiệp tâm sự: Với anh thì việc hát thính phòng giống như "con cá được thả vào nước", thỏa sức bơi lội tung tăng mà không vướng víu bất cứ vấn đề gì. Suốt hơn 20 năm nay, trên sân khấu trong và ngoài nước, anh cũng hát toàn những tác phẩm đồ sộ của các nhà soạn nhạc âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới như: Mozart, Beethoven… 

Trong vài ba năm thử tìm tòi làm mới phong cách âm nhạc, anh nhận ra giọng hát mình chỉn chu về kỹ thuật và tìm thấy cảm xúc thăng hoa ở dòng nhạc thính phòng nhưng sự tinh tế thì chưa đủ để bén duyên với các dòng nhạc mềm mại khác. Anh tập cách sống chậm lại, tĩnh tâm hơn. Cùng lúc này, anh nghĩ đến việc hát nhạc xưa khi tự thấy bản thân đã đủ độ va vấp, trải nghiệm và sẵn sàng thả lỏng mình hơn trong cách hát.

Tuy nhiên, dù là hát nhạc xưa, Phúc Tiệp vẫn lồng ghép một chút màu sắc thính phòng vào trong đó, dù chỉ là một vài câu hát mà chỉ cần người nghe tinh ý một chút sẽ nhận ra. Nam ca sĩ thừa nhận, anh đã phải tiết chế khoảng 70% chất giọng của mình, giống như một người bình thường có giọng nói hào sảng, nhưng giờ đây phải nói nhỏ lại, chậm lại sao cho vẫn đảm bảo độ tròn vành rõ chữ và giàu cảm xúc.

Ca sĩ Phúc Tiệp gốc Thái Bình, được biết đến là một trong những giọng nam thính phòng hàng đầu hiện nay, kế cận lớp tiền bối của dòng nhạc thính phòng Việt Nam. Với chất giọng nội lực khỏe khoắn, hào sảng và đầy nội lực, anh còn được cố NSND Doãn Tần và NSND Quang Thọ yêu quý dìu dắt, xem như con cháu trong nhà. Sau khi tham gia một số cuộc thi âm nhạc và ghi dấu với nhiều giải thưởng như giải Nhì Sao Mai 2007 dòng thính phòng, giải Nhì Tiếng hát Thính phòng toàn quốc 2009…, Phúc Tiệp bền bỉ với tình yêu đối với dòng nhạc bác học và kiên định với việc giữ "lửa" dòng nhạc này trong vai trò giảng viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm