Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

Thanh An- Minh Quý
25/10/2023 - 11:16
Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình
Người bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ.

Khoản 1, Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, gồm: Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình… Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;

Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Điều 23 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về chấm dứt hành vi bạo lực gia đình như sau: Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.

Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ. Ảnh minh họa

Về bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, Điều 28 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Người bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ. Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội.

Điều 29 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm: Tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình; Cung cấp thông tin về tình trạng tổn hại sức khỏe của người bị bạo lực gia đình theo đề nghị của người đó hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh, nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình có trách nhiệm báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

Người đứng đầu cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo cho Công an xã nơi đặt cơ sở về trường hợp người được chăm sóc, điều trị có dấu hiệu bị bạo lực gia đình để bảo vệ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh chăm sóc, điều trị, người bị bao lực gia đình được trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, cụ thể:

- Người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho người bị bạo lực gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm