Các can thiệp hình sự vô tình làm khó nạn nhân

15/05/2016 - 20:59
Nhiều phụ nữ không lên tiếng tố cáo các vụ việc bạo lực giới, bạo lực gia đình (BLGĐ). Liệu sự im lặng này có liên quan gì đến các hoạt động can thiệp hình sự khi xử lý vụ việc?
Chị Tạ Thị Minh Lý- Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đối tượng liên quan đến BLGĐ. Theo chị Lý:  “Các biện pháp xử phạt trong Luật phòng, chống BLGĐ còn những điểm bất cập, khiến nhiều phụ nữ là nạn nhân đã chọn cách im lặng. Có trường hợp, khi phụ nữ tố cáo, chồng chịu hình thức xử phạt hành chính. Nếu là phạt tiền, chồng sẽ lấy tiền ở đâu ra để mang nộp? Đa số chính người vợ sẽ lại phải móc tiền từ túi mình, túi của gia đình ra. Nếu xử phạt bằng hình thức giam giữ, nhà cửa, con cái để ai coi? Việc lao động, sản xuất chung của cả nhà ai sẽ làm?"
Theo chị Tạ Thị Minh Lý: "Đến hình thức “cấm tiếp xúc”, cũng không thực tế. Ở các nước khác, việc cấm tiếp xúc, bảo vệ an toàn cho nạn nhân là phải đuổi thủ phạm ra ngoài. Ở Việt Nam lại đang làm ngược quy trình. Chúng ta đang “đuổi nạn nhân ra khỏi nhà”, tìm cho nạn nhân một địa chỉ tin cậy nào đó…
Tất nhiên, trong trường hợp bị bạo hành, việc bảo vệ quyền sống, tính mạng, sự an toàn của nạn nhân là quan trọng nhất nhưng vẫn cần phải nhìn trong cái tổng thể của một gia đình để có được những quy định cho phù hợp. Nhiều phụ nữ, tính mạng người ta còn chưa lo nhưng lại lo đến việc bị đuổi ra khỏi nhà, không nơi nương tựa, lo chồng bị phạt".
Th.S Phạm Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển thì cho biết: "Trong nghiên cứu về “Thành phố An toàn: Liệu giấc mơ có trở thành hiện thực?” trung tâm CGFED và ActionAID thực hiện về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng, cho thấy, có tới 48,2% phụ nữ/trẻ em gái và 57,1% người chứng kiến biết số điện thoại đường dây nóng của công an nhưng họ đều không liên hệ với cơ quan này. Những người đã trình báo cho biết, công an có ghi chép lại sự việc nhưng chỉ dừng lại ở đó vì công an không làm gì hoặc đánh giá thấp, thậm chí tầm thường hóa mọi chuyện mà họ đã phải trải qua.
Với những phụ nữ quyết tâm rời khỏi người chồng bạo lực, họ lại phải đối diện với các vấn đề liên quan đến tài sản và nguy cơ trắng tay sau khi ly hôn. Thực tế, do người chồng thường đứng tên trong giấy tờ liên quan đến đất đai hay các tài sản lớn hoặc trong quá trình mua bán tài sản, người vợ thường phải chịu phần thiệt thòi khi ly hôn do họ không có đủ chứng cứ chứng minh tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng…”.
Chị Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển (Ngôi nhà Bình yên, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) cho biết: “Các hoạt động trợ giúp can thiệp của chính quyền, công an, tư pháp cho các nạn nhân bị BLGĐ đang bị cho là “mù giới” và không thân thiện với nạn nhân. Nhiều nữ nạn nhân phải đối mặt với thái độ thiếu nhạy cảm giới, thiếu thân thiện từ phía cán bộ. Nhiều nạn nhân bị sợ hãi, bị đổ lỗi, không được an toàn. Thậm chí, khi quay về nhà, họ còn bị quy là thủ phạm phá vỡ gia đình, còn bị đánh mạnh hơn!”
Còn theo TS.Lê Hữu Anh, Phó trưởng Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân có những nhìn nhận: “Trước đây, có Nghị định 110 (năm 2009) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ và hiện nay là Nghị định 167 (năm 2013) đã đưa ra những chế tài cần thiết đối với người có hành vi gây BLGĐ. Trong qua trình đi thực tế, tôi thấy nhiều cán bộ địa phương vẫn chưa biết đến Nghị định này. Một số nơi, cán bộ biết nhưng rất ngại thay đổi khi áp dụng những văn bản pháp lý mới khi chưa được tập huấn”.
Theo anh Lê Hữu Anh: "Từ việc cán bộ chưa hiểu rõ, thiếu kiến thức về Luật đã dẫn đến tình trạng khi tiếp nhận vụ việc, thực hiện các can thiệp ở các cấp độ từ hoà giải, xử lý hành chính hay hình sự, nhiều người đã không biết về các hình thức xử lý. Họ xử theo cảm tính, cả nể, xử trong tâm trạng sợ làm chưa đúng, sợ trách nhiệm, sợ bị kiện lại và thường có xu hướng xử nhẹ hơn so với yêu cầu kèm mong muốn cặp vợ chồng ấy sẽ vẫn chung sống. Họ không quan tâm việc tiếp tục chung sống có khiến nạn nhân (phần lớn là phụ nữ) bị nguy hiểm, có hạnh phúc hay không… Cho nên, có nạn nhân sẽ không dám lên tiếng. Họ thiếu niềm tin, sợ vấn đề của mình sẽ không được giải quyết thỏa đáng theo luật, sẽ không được xử lý nghiêm, sẽ xử không đúng người, đúng tội và không mang lại cho họ cảm giác được bảo vệ, được an toàn.
Anh Hữu Anh còn cho biết: “Trong trường đào tạo ngành cảnh sát, hiện chưa có khoa, môn học riêng về phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới. Chỉ có lượng kiến thức ít về BLGĐ lồng ghép vào các bài giảng về tâm lý, xử lý hình sự liên quan đến điều tra, đến hành vi hành hạ người khác hoặc cố ý gây thương tích… cho sinh viên từ năm thứ 3 trở lên. Còn lực lượng thi hành các can thiệp hình sự, trong đó có công an viên cơ sở (đặc biệt là cấp xã), họ mới chỉ được đào tạo bán chính quy, mới qua các lớp huấn luyện 3 tháng, 6 tháng. Họ còn nhiều hạn chế về trình độ, kỹ năng chung về luật, về xử lý các vụ việc an ninh trật tự. Mà BLGĐ lại có những đặc thù rất riêng (các thể loại bạo lực, mối quan hệ giữa người gây bạo lực và bị bạo lực…) nên lại càng khó khăn với họ. Họ không biết về giới, không mổ xẻ được bản chất sâu xa của sự bất bình đẳng dẫn đến bạo lực. Công an cấp cơ sở (phường/xã, công an viên) khi tiếp xúc với nạn nhân bị BLGĐ thường đánh đồng giống như nạn nhân của các vụ khác mà không hiểu rằng người phụ nữ ấy đang rất sợ hãi, bị stress, đang sợ người khác nghe chuyện gia đình mình, sợ nhà chồng/thiên hạ lên án vợ lại đi tố cáo chồng, họ đang bị bạo lực tình dục, họ sẽ không dám kể… Còn về thái độ làm việc, trong các ngành chuyên thực thi các can thiệp hình sự cũng có những quy định về cách tiếp cận, tiếp xúc với các đối tượng khác nhau (nhân dân, nạn nhân, tội phạm…), song riêng về đối tượng liên quan đến BLGĐ thì chưa có”.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 63 tỉnh/thành của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2008-2015 cả nước đã xảy ra 258.213 vụ BLGĐ, riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã là 13.204 vụ. Trong tổng số nạn nhân có tới trên 70% là phụ nữ…
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, 87% nạn nhân không bao giờ tìm kiếm sự trợ giúp từ phía cộng đồng. Rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình cũng như những người chứng kiến đều im lặng với những gì đang diễn ra.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm