Thấy nhiều hộ dân cửa đóng then cài im ỉm, nhà cửa kiên cố, khang trang mà chẳng bóng người, cậu xe ôm giải thích: “Chị bảo, mùi xồng xộc thế này ai mà chịu nổi. Ban ngày, họ đi làm đồng hoặc đi làm thuê hết, tối về đến nhà là đóng chặt cửa để hạn chế mùi thối bay vào nhà. Nhiều nhà có con nhỏ không ở được, họ phải đi ở nhờ người thân nơi khác đấy”.
Nỗi lo làm lại từ đầu
Ở đội 20 thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, chị Nguyễn Thị Thư cho hay, chính quyền địa phương đã xuống gia đình chị kiểm đếm, kê khai đất ở và tài sản để chuẩn bị đền bù cho đợt di dời dân sắp tới. “Thoát khỏi cảnh sống chung với hàng triệu mét khối chất thải ngày đêm xộc lên mùi xú uế cũng mừng nhưng chúng tôi mừng ít, lo nhiều. Hàng chục năm chúng tôi ổn định trên mảnh đất ông cha để lại, giờ phải chuyển đi nơi khác, không biết cuộc sống có ổn định không. Chúng tôi thuộc diện dời nhà và cả đất nông nghiệp. Bao năm chỉ biết làm ruộng, giờ nhà mấy miệng ăn, chồng thì sức yếu, thời gian tới chẳng biết kiếm kế sinh nhai bằng cách nào”, chị Thư lo lắng.
Chị Thư cho biết, vì chưa nhận được tiền đền bù nên anh chị và các con chưa tính được phương án đi đâu, làm gì. Vợ chồng chị Thư có 4 con gái thì cô cả đã lập gia đình và có con. Để được gần nhau, có mẹ có con, chị Thư chia cho vợ chồng con gái cả gần 100m2 đất xây nhà. Chị Thư buồn buồn: “Tích cóp dành dụm được bao nhiêu, vợ chồng tôi và các cháu tập trung vào hết xây nhà cho đàng hoàng, giờ chuyển đi, chẳng khác nào làm lại từ đầu”.
Băn khoăn mộ phần tổ tiên
Cùng thôn Xuân Thịnh nhưng ở khu bên cạnh, thửa đất hơn 7 sào của vợ chồng bà Vũ Thị Bình (65 tuổi) và ông Trần Đình Sức (79 tuổi) hiện có 4 hộ với 16 nhân khẩu sinh sống. Đất rộng rãi nên khi dựng vợ gả chồng cho các con, ông bà cắt luôn cho vợ chồng mỗi người con để làm nhà và sinh sống. “Người ta bảo trẻ cậy cha, già cậy con, chúng tôi chia đất cho các con cũng là muốn gia đình được quần tụ, sum vầy, giúp đỡ nhau. Giờ đây, nếu phải di dời, chắc chắn gia đình chúng tôi không thể cùng chung sống trên một mảnh đất như thế này được nữa. Chúng tôi chưa biết gia đình được bao nhiêu tiền đền bù và hỗ trợ di dời nhưng có lẽ sẽ là những ngày tháng vô cùng vất vả, gian nan khi ở tuổi này, chúng tôi lại bắt đầu lại từ đầu”, bà Bình thở dài.
Nhà bà Bình hiện nằm sát bờ tường rào của khu bãi rác nên bị ảnh hưởng rất nặng nề của mùi xú uế. Bà Bình kể, ngày đêm xe đổ rác chạy ầm ầm. Mùi xú uế khiến ruồi muỗi rất nhiều. Mỗi lần các con dâu, con gái của bà ở cữ, ngoài việc đóng cửa im ỉm cả ngày, bà Bình còn phải mua lưới về để chăng kín mít. Nhiều hôm dọn mâm cơm ra, gặp ngay cơn gió, ruồi thì bâu kín bát đũa, mùi thối thì nồng nặc, chỉ có nước... nhịn ăn chứ không thể nào nuốt trôi. “Đi chứ. Chúng tôi cũng muốn di dời từ lâu rồi nhưng nhìn vườn tược cây cối trồng đã mấy chục năm, giờ toàn thành cây cổ thụ mà xót xa lắm”, bà Bình bộc bạch.
Chồng bà Bình nhìn một lượt quanh căn nhà mái ngói xây dựng kiên cố, thở dài: “Đã là chủ trương của nhà nước thì chúng tôi phải thực hiện nghiêm chỉnh. Song, điều chúng tôi cần là sự công bằng khi Nhà nước thực hiện chính sách đền bù, tránh trường hợp bất hợp lý. Ở tuổi này, không có khả năng lao động nhưng vườn tược rộng, mùa nào thức ấy, không ăn hết, chúng tôi bán còn có đồng ra đồng vào, không phải ngửa tay xin con cháu. Nếu chuyển đến nơi ở mới, các con mạnh ai nấy sống, sẽ không còn gần gũi, đỡ đần nhau như bây giờ. Di người, di nhà đã đành nhưng còn mộ phần tổ tiên ông bà không nằm tập trung một chỗ nữa chứ, chuyển mộ đi đâu cũng là cả một vấn đề”, ông Sức băn khoăn.
Tuy nhiên, điều khiến ông bà Bình - Sức phân vân và suy nghĩ nhiều nhất chính là việc phân chia tiền đền bù cho các con như thế nào để các con có thể ổn định cuộc sống, trong ấm ngoài êm. “Lúc nghèo thì anh chị em quây quần, yêu thương nhau nhưng khi có tiền dễ sinh nhiều chuyện; đứa ít đứa nhiều, đứa mua được đất ở gần, đứa phải chuyển đi xa, mọi thứ có khi sẽ rối tinh rồi mù cả lên. Rồi thậm chí tị nạnh nhau mà mất tình anh em - cha con”, ông Sức lo lắng.
Còn cấn cá chưa thể dời đi ngay
Theo quan sát của PV, trên diện tích các thửa đất thổ cư trong khu vực di dời, chiếm một phần khá lớn gồm nhiều hộ gia đình (bố mẹ, con cái) cùng sinh sống. Vì thế, việc người dân băn khoăn làm sao để có thể ổn định “đại gia đình” sau khi di dời cũng là điều dễ hiểu. Ông Đặng Văn Lục (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) có 2 người con trai đã xây dựng gia đình đang cùng sinh sống trên thửa đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông. Ông Lục định khi về già sẽ chia đất, tách sổ trao quyền sở hữu cho các con nhưng giờ ông không thể thực hiện được dự định của mình vì nhà ông thuộc hiện phải di dời.
Ông Lục cho hay, ở xóm của ông, nhiều nhà đã nhận tiền đền mua đất làm nhà định cư tại nơi ở mới. Tuy nhiên, gia đình ông Lục và nhiều hộ khác vẫn còn ở lại. Khi hỏi vì sao ông không nhận tiền đền bù để tìm một nơi ở mới không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình, ông trần tình: “Các nhà kinh tế khá giả, lại được khoản tiền đền bù kha khá thì việc chuyển đi nơi khác sinh sống nhiều thuận lợi hơn. Hiện nay, trên diện tích đất của gia đình chúng tôi có 3 khẩu là vợ chồng tôi và gia đình 2 người con.
Tuy nhiên, khi đền bù, Nhà nước chỉ tính đền bù cho bố (tức là tôi), còn 2 người con “ăn theo bố” thì không được tính trong diện đền bù. Nếu ước tính theo mức giá đền bù mà chúng tôi được tiếp cận là hơn 800 ngàn đồng/m2 đất ở, cộng với các hạng mục khác thì tổng cộng, gia đình tôi chỉ được khoảng hơn 1 tỉ đồng. Với hơn 1 tỉ đồng, làm sao tôi có thể mua được đất xây nhà cho tôi và gia đình 2 người con trai? Rồi còn làm gì để duy trì cuộc sống? Ở nơi mới sẽ xa nơi này, nếu còn ruộng để làm thì chúng tôi đi lại chăm sóc ruộng nương ra sao? Nếu không làm ruộng thì chúng tôi làm gì sinh nhai? Chính vì chưa thể ổn định được cuộc sống lâu dài nên dù muốn thoát khỏi cảnh ô nhiễm nhưng chúng tôi chưa thể di dời đi nơi khác”.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn. Rác thải từ nội thành Hà Nội hầu hết đều được chuyển về đây để xử lý. Sau nhiều năm, bãi rác ngày càng phình to, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần khu vực. Bãi rác Nam Sơn có quy mô hơn 157ha chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83ha, hiện đã đầy. Giai đoạn II, diện tích hơn 73ha gồm 8 ô chôn lấp. Dự kiến đến năm 2021, thành phố sẽ đóng bãi rác này và đã phê duyệt dự án lò đốt rác 3 tầng ở khu xử lý, việc này giúp giảm tải tiếp nhận rác vào bãi. |
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn, đơn vị đang hoàn thiện phương án đền bù cho hơn 1.100 hộ dân khu vực ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn. Việc lập phương án có mấy khâu như kiểm đếm đất và tài sản trên đất; căn cứ chính sách lên phương án đền bù; trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xem phương án đó đúng chưa, có thất thoát ngân sách hay thiệt hại cho người dân không; cuối cùng UBND cấp huyện phê duyệt và có quyết định thu hồi đất. Được biết, người dân có thể lựa chọn nhận tiền đền bù hoặc chuyển đến các khu tái định nằm gần đường 35. Đây là những khu đất đã được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt, đảm bảo hạn chế mùi và không có xe vào bãi rác đi qua. Trao đổi về mức giá bồi thường cho các hộ dân, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn, cho hay, dự kiến mức đền bù được căn cứ theo bảng giá được UBND TP Hà Nội ban hành. |