pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các triệu chứng sốt xuất huyết Dengue so với sốt Chikungunya khác nhau như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh do véc tơ truyền chiếm hơn 17% tổng số bệnh truyền nhiễm, gây ra hơn 700.000 ca tử vong hàng năm.
Bệnh do véc tơ truyền là bệnh nhiễm trùng được truyền từ các loài động vật chân đốt, chẳng hạn như muỗi, ve, bọ xít, ruồi cát và ruồi đen, sang người qua vết cắn, từ đó gây ra các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban, ... Do hầu hết các triệu chứng liên quan đến các bệnh do vật trung gian truyền bệnh khá giống nhau nên có thể gây sự nhầm lẫn khi chẩn đoán bệnh.
Đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue và sốt Chikungunya, các triệu chứng của hai bệnh lý này khá giống nhau và có thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Vậy làm thế nào để phân biệt?
1. Tìm hiểu về sốt xuất huyết Dengue và sốt Chikungunya
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Nguồn lây nhiễm chính là muỗi Aedes aegypti và Ae. albopictus. Sốt xuất huyết thể nhẹ gây sốt cao và các triệu chứng giống như cúm, có thể điều trị tại nhà và nhanh chóng hồi phục, trong khi dạng sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tụt huyết áp đột ngột (sốc) và đe dọa tới tính mạng.
Cũng như sốt xuất huyết, sốt Chikungunya là một bệnh nhiễm trùng do muỗi truyền, chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Bệnh lý này hiếm khi gây tử vong nhưng các triệu chứng có thể nghiêm trọng, kéo dài và gây suy nhược. Những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng bao gồm trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm trong khi sinh, người lớn tuổi. Sau khi nhiễm bệnh, người bị sốt Chikungunya có khả năng miễn dịch suốt đời.
2. Tìm hiểu về triệu chứng, cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt Chikungunya
Cả sốt chikungunya và sốt xuất huyết đều có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, phát ban, mệt mỏi, buồn nôn và đau ở vùng sau mắt. Tuy nhiên, có một số triệu chứng có thể giúp phân biệt hai bệnh. Chủ yếu sự khác biệt nằm ở mức độ nghiêm trọng giữa hai căn bệnh này.
- Mức độ bệnh: Trong khi sốt chikungunya ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp và cơ của người bệnh, dẫn đến đau khớp thì giai đoạn sốt xuất huyết đáng lo ngại hơn có thể biểu hiện dưới dạng số lượng tiểu cầu thấp. Những người bị sốt xuất huyết có thể bị giảm mạnh số lượng tiểu cầu xuống còn khoảng 20.000 đến 40.000, đôi khi nó có thể xuống thấp tới 10.000 tiểu cầu. Trong trường hợp bị bệnh chikungunya, số lượng tiểu cầu có thể giảm nhẹ và có thể được đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu.
Ngoài ra, cơn đau cơ thể ở bệnh nhân sốt xuất huyết dữ dội hơn nhiều so với bệnh nhân mắc bệnh chikungunya. Ngược lại, đau khớp dữ dội trong trường hợp nhiễm bệnh chikungunya, chủ yếu quanh khu vực bàn tay và đầu gối, có thể kéo dài ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Hơn nữa, trong một số trường hợp sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể bị chảy máu, đặc biệt là trong những trường hợp sốc sốt xuất huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể đe doạ đến tính mạng.
- Phân biệt qua triệu chứng phát ban: Trong khi ở bệnh nhân bị sốt Chikungunya, phát ban xuất hiện khắp mặt, lòng bàn tay, bàn chân, tứ chi thì ở bệnh nhân sốt xuất huyết, phát ban thường chỉ giới hạn ở chân tay và mặt.
- Lưu ý đến hạch bạch huyết: Sốt xuất huyết có thể khiến hạch bạch huyết ở cổ và bẹn to ra, đôi khi các màng lót mắt có thể bị viêm (viêm kết mạc) và các tuyến bạch huyết có thể sưng lên (bệnh hạch bạch huyết). Người bị bệnh Chikungunya có hạch bạch huyết bình thường.
- Thời gian ủ bệnh và thời gian nhiễm trùng: Đối với bệnh sốt xuất huyết, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày (khoảng 3-14 ngày), gồm 3 giai đoạn: Phát sốt, nguy kịch và hồi phục. Trong khi đó, hầu hết những người bị nhiễm chikungunya đều có triệu chứng và thời gian ủ bệnh thường là 3 đến 7 ngày (khoảng 1-12 ngày).
Đối với bệnh sốt xuất huyết và sốt Chikungunya, các triệu chứng cấp tính thường hết trong vòng 7-10 ngày.
3. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác tình trạng gặp phải?
Chỉ thông qua các triệu chứng và một số dấu hiệu điển hình của bệnh, bạn vẫn có thể chẩn đoán nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt Chikungunya. Do đó, xét nghiệm là phương pháp giúp bạn chẩn đoán chính xác nhất bệnh lý mình đang gặp phải.
Chikungunya được chẩn đoán tốt nhất bằng cách thực hiện xét nghiệm phân tử tìm RNA của virrus chikungunya và kháng thể. Tương tự như vậy, bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán tốt nhất bằng cách thực hiện xét nghiệm phân tử tìm kiếm RNA của virrus sốt xuất huyết và kháng thể.
4. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết và bệnh Chikungunya
Sốt xuất huyết và sốt Chikungunya đều lây truyền qua muỗi. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là bạn nên diệt trừ muỗi và tránh không cho chúng đốt và truyền bệnh.
Một số biện pháp giảm thiểu nguy cơ muỗi đốt và truyền bệnh sang con người được các chuyên gia khuyến cáo:
- Hạn chế để muỗi sinh sản xung quanh nhà bằng cách:
+ Đổ nước từ các thùng chứa, chẳng hạn như đĩa dưới chậu cây, bình hoa, xô, chum nước không sử dụng
+ Đậy các dụng cụ chứa nước không thể đổ đi, chẳng hạn như bể chứa cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày.
+ Phát quang các bụi rậm
- Nên mặc quần áo dài tay khi ra ngoài hoặc khi biết rằng khu vực mình sống đang có dịch sốt xuất huyết hoặc sốt Chikungunya
- Sử dụng thuốc chống côn trùng
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, bạn cũng có thể lau nhà bằng một số loại tinh dầu như dầu quế, tinh dầu từ các loại cam, quýt, tinh dầu sả, dầu gió, ...
- Mắc màn/mùng khi ngủ
- Buổi tối nên đóng kín cửa sổ và cửa ra vào vì lúc chạng vạng tối hoặc rạng sáng là khoảng thời gian muỗi hoạt động mạnh.
Nhìn chung, virus sốt xuất huyết (DENV) và virus chikungunya (CHIKV) đang trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Vì vậy, mọi người nên chủ động chung tay với cộng động để phòng ngừa bệnh, như vậy vừa bảo vệ sức khoẻ của bản thân mình lại có thể đẩy lùi dịch bệnh.