Cách chăm sóc trẻ sơ sinh viêm đường hô hấp trên

19/02/2018 - 13:53
Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, thường gặp trong mùa đông xuân, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đây là căn bệnh dễ tái phát nên các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức phòng và chăm sóc khi bé mắc bệnh.
Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản, là cơ quan đầu trên đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên. Ban đầu là cảm lạnh, sau đó có thể là viêm mũi họng, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa…

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên như do virus Rhino, Corona, Adeno, virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV. Ngoài ra, cũng có thể do vi khuẩn, thường gặp là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm…

Bệnh thường xuất hiện trong mùa thời tiết lạnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa đông-xuân. Ở trẻ em, tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 2 tháng tuổi; trẻ non yếu; trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A; trẻ có suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, điều trị corticoit kéo dài; trẻ sau mổ; nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), vệ sinh kém dễ mắc bệnh hơn.
anh-11.jpg
Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để làm loãng dịch mũi và loại bỏ dịch nhầy khi bé viêm đường hô hấp trên

Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng của viêm đường hô hấp trên chủ yếu là sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè. Khi trẻ mắc bệnh, có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng như uống thuốc giảm ho, long đàm dạng siro, thuốc khí dung; điều trị giảm đau, hạ sốt, chống viêm… Viêm đường hô hấp trên do virus chủ yếu là điều trị triệu chứng, nếu đã xác định rõ được nguyên nhân do vi khuẩn, có thể dùng kháng sinh, kháng viêm. Tuy nhiên, phải dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. 

Khi nào cần đưa bé đi khám?

Cần vệ sinh mũi, thông thoáng đường thở cho trẻ; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú đủ, ăn đủ nhằm tăng sức đề kháng. Trẻ viêm đường hô hấp trên dễ chảy nhiều nước mũi, có thể quánh dính dẫn đến nghẹt mũi, tắc mũi. Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào từng bên mũi cho trẻ để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông sạch, khô ngoáy mũi lại. Cần làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoặc bú nếu dịch nhiều, quánh, dính để tránh nôn.
 
Khi vệ sinh mũi cho bé, các bậc cha mẹ cần tránh dùng miệng hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn dễ lây cho trẻ; tránh lạm dụng nước muối để hút mũi quá nhiều vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ; tránh nhỏ nước ép tỏi cho trẻ vì tỏi có vị cay dễ gây bỏng niêm mạc của trẻ.
anh-bai-16.jpg
Khi bé bị sốt, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, nếu trẻ sốt cao liên tục,
cần đưa bé đến bệnh viện
Khi trẻ sốt (do viêm đường hô hấp trên) từ 37,5 đến dưới 38,5oC, cha mẹ cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc áo quần mỏng, không bó sát; cho trẻ uống nhiều nước, lau mát cho trẻ bằng nước ấm (37oC) dùng khăn sạch, mềm lau ở trán, nách và bẹn.

Còn nếu trẻ sốt từ 38,5oC trở lên, tiếp tục dùng nước ấm 37oC lau cho trẻ, cho trẻ dùng paracetamol (efferagan) loại uống hoặc viên đặt hậu môn với liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4-6h nếu nhiệt độ vẫn trên 38,5oC. Theo dõi nhiệt độ 30 phút/lần.

Nếu bé sốt, kèm ho và nôn nhiều, bỏ ăn/bú, sốt cao liên tục… các bậc cha mẹ cần báo cho bác sĩ hoặc cho trẻ đến khám ngay. Khi trẻ nôn, cần cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn ở miệng, họng, mũi trẻ, lau khô chất nôn trên người trẻ bằng khăn mềm và nước ấm, thay quần áo cho trẻ.

TS Trần Minh Điển cho rằng, với viêm đường hô hấp trên, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu, vì đây là một bệnh lây nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: Bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc… Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh; tránh nằm phòng điều hòa quá lạnh, tránh cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa; giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ vào mùa đông. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm