pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách khắc phục tình trạng chóng mặt sau khi uống thuốc dưỡng thai
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Thanh (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị đang mang bầu được 20 tuần. Chị có tiền sử sinh non 2 lần. Vì thế, lần mang thai này chị đi khám chuyên khoa sản theo đúng lịch. Trong đó, bác sĩ có kê cho chị thuốc dưỡng Utrogestan 200mg/ngày, liều uống ngày 2 viên (sáng và tối).
Tuy nhiên, sau khi uống một lúc, chị thấy chóng mặt, người lâng lâng khoảng 2-3 tiếng. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, chị cũng uống một số thuốc bổ như 1 viên sắt Blackmores, 1 viên Elevit mỗi ngày.
Chị băn khoăn, không biết uống như vậy có bị dư sắt không bởi mấy tuần trở lại đây, chị bắt đầu bị táo bón và thường đau lưng, người mệt mỏi.
Về vấn đề này, PGS. Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, thuốc Utrogestan 200mg với thành phần là progesteron 200mg có tác dụng trong điều trị dọa sẩy thai hoặc dự phòng sẩy thai liên tiếp do suy hoàng thể, dọa sinh non.
Các tác dụng phụ thường xuyên được báo cáo khi sử dụng thuốc này là nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt thoáng qua...
Theo bác sĩ Vũ Bá Quyết, cách khắc phục tình trạng chóng mặt sau khi uống thuốc là thai phụ nên dùng thuốc với một ít nước, cách xa bữa ăn và uống vào buổi tối trước khi ngủ. Đối với viên ban ngày, thai phụ cần dùng thuốc xa các thời điểm yêu cầu sự tập trung như làm việc, lái xe... Khi phát hiện chóng mặt, nhức đầu, thai phụ nên tìm cách thư giãn và hạn chế vận động.
Đối với viên sắt, bác sĩ Vũ Bá Quyết cho biết, phụ nữ có thai cần bổ sung 30-60mg sắt/ngày và 400-1000mcg acid folic/ngày. Trong khi đó, viên sắt Blackmores chứa 24mg sắt, trong sản phẩm Elevit có chứa 14mg sắt và 800mcg acid folic.
Do đó, thai phụ không sử dụng quá liều bổ sung sắt. Tác dụng phụ khi bổ sung sắt thường thấy là: miệng có vị kim loại, buồn nôn, táo bón, phân đen, kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, khi bổ sung sắt, bà bầu nên uống nhiều nước, ăn các thực phẩm giàu chất xơ.
Bác sĩ Vũ Bá Quyết cho rằng, việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào thể trạng và nhu cầu của bà bầu trong từng giai đoạn. Trong trường hợp trên, thai phụ nên thông báo với bác sĩ ở lần khám thai tiếp theo về những bất lợi khi sử dụng các thuốc hiện tại để có hướng giải quyết phù hợp.
Bên cạnh đó, thai phụ nên bổ sung nhiều nước, các thực phẩm giàu chất xơ và có bài tập vận động nhẹ để có thể giảm tình trạng táo bón.