pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách phân biệt viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng vào mùa Xuân
Viêm kết mạc hay còn được gọi là đau mắt đỏ. Tình trạng này gây ra sự khó chịu cho người bệnh nhưng thường sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Viêm kết mạc có thể do virus, vi khuẩn hoặc tình trạng dị ứng gây ra. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn rất dễ lây lan nhưng đối với nguyên nhân do dị ứng thì không. Vì vậy, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan và điều trị bệnh dễ dàng hơn.
1. Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm kết mạc
Có nhiều lý do gây viêm kết mạc, trong đó 4 nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này:
- Do virus: Viêm kết mạc thường do một trong những loại virus gây cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác gây ra, chẳng hạn như adenovirus.
- Vi khuẩn: Vi khuẩn gây nhiễm trùng cổ họng và tụ cầu khuẩn, chẳng hạn như Streptococcus và Staphylococcus là nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt đỏ.
- Dị ứng: Các chất gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông thú cưng, … khiến cơ thể bạn sản xuất ra histamin, gây viêm và dẫn tới đau mắt đỏ.
- Chất kích ứng: Các chất hoá học hoặc chất lạ vô tình lọt vào mắt cũng sẽ khiến mắt bị kích ứng và viêm.
2. So sánh các triệu chứng viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng
Các triệu chứng đau mắt đỏ do dị ứng cũng tương tự như đau mắt đỏ do nhiễm trùng. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Ngứa mắt
- Mắt có tông màu hồng hoặc đỏ
- Chảy nước mắt
- Cay mắt
- Gỉ mắt
Tuy nhiên, có một số khác biệt chính trong các triệu chứng giữa đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và dị ứng, cụ thể:
Triệu chứng | Do Virus | Vi khuẩn | Dị ứng |
---|---|---|---|
Ngứa nhẹ | ✔ | ✔ | ✔ |
Mắt tông hồng hoặc đỏ | ✔ | ✔ | ✔ |
Chảy nước mắt | ✔ | ✔ | |
Gỉ mắt màu vàng xanh | ✔ | ||
Ngứa dữ dội | ✔ | ||
Bỏng mắt | ✔ | ✔ | ✔ |
Có xu hướng đau ở cả hai mắt | ✔ | ✔ | |
Đau nhẹ | ✔ | ✔ | |
Cảm giác cộm trong mắt | ✔ | ✔ | |
Đi kèm với cảm lạnh hoặc các loại nhiễm trùng đường hô hấp khác | ✔ | ||
Sưng hoặc đau ở vùng trước tai | ✔ |
Ngoài ra, viêm kết mạc dị ứng thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật, … Nên sau khi tiếp xúc với các tác nhân này, khả năng cao bạn bị đau mắt đỏ do tình trạng dị ứng.
3. Điều trị viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng có giống nhau không?
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng viêm kết mạc mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
- Điều trị viêm kết mạc do virus: Không có cách điều trị cụ thể cho bệnh viêm kết mạc do virus. Các triệu chứng có thể sẽ tự biến mất sau 4 đến 7 ngày, sau khi virus đã suy yếu.
Để giúp làm giảm các triệu chứng, các bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại nhỏ mắt phù hợp.
- Điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn: Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra. Thuốc kháng sinh thường có dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ. Đảm bảo làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
- Điều trị viêm kết mạc do dị ứng: Thuốc kháng histamin không kê đơn (OTC) có thể giúp giảm viêm do dị ứng. Bạn cũng có thể thử dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin OTC hoặc thuốc nhỏ mắt chống viêm.
Bên cạnh việc điều trị theo từng nguyên nhân, dù bạn đau mắt đỏ vì lý do gì, cố gắng đảm bảo một số lưu ý sau:
- Không nên dùng chung đồ cá nhân với người khác phòng tránh lây nhiễm
- Không dụi mắt vì hành động này có thể làm mắt tổn thương giác mạc, bệnh lâu lành hơn
- Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi khói bụi, gió hoặc các tác nhân bên ngoài
- Vệ sinh mắt sạch sẽ, đảm bảo nguồn nước rửa mặt không bị ô nhiễm
- Ngủ nghỉ hợp lý
- Bổ sung những thực phẩm giàu Vitamin C, E, B6, B9, B12, Omega-3, Kẽm như: cà rốt, rau xanh, ớt chuông, lòng đỏ trứng, dầu cá, việt quất, …
4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm kết mạc
Để phòng ngừa viêm kết mạc, mọi người nên thực hiện tốt một số lưu ý sau:
- Rửa tay thường xuyên, không dùng tay để dụi mắt vì có thể làm vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh hoặc làm tổn thương giác mạc.
- Giặt chăn gối và vệ sinh nhà cửa thường xuyên để phòng tránh vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh.
- Vệ sinh mắt thường xuyên với nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi bơi lội
- Dùng khăn giấy sạch để lau mắt
- Sử dụng kính mắt khi ra đường
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, …
- Không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ, không dùng chung đồ cá nhân với người bệnh.
- Duy trì chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất
Nhìn chung, đau mắt đỏ thông thường không quá nguy hiểm. Nhưng nếu như không điều trị đúng cách có thể gây ra biến chứng liên quan đến thị lực, gây viêm giác mạc, loét giác mạc, ... Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.