Anh Lương Mạnh Hải (chung cư Linh Đàm, Hà Nội) đang có nhu cầu mua một chiếc xe hơi cũ với giá tầm 300 - 500 triệu. Tuy nhiên, anh lo lắng: 'Luôn có những trận mưa lớn ở Hà Nội khiến nhiều ô tô bị ngập, hỏng hóc. Tôi rất sợ mua phải những chiếc ô tô như vậy'. Ô tô bị ngập nước thì mức độ hỏng hóc có lớn không và làm thế nào để tránh mua phải những chiếc xe bị ngập nước là những băn khoăn của anh Hải và nhiều người đang có ý định mua xe hơi cũ.
Chuyên gia tại Công ty AnyCar - công ty chuyên kinh doanh xe cũ cho biết, trường hợp xe chỉ bị ngập nước trong trạng thái không hoạt động, như những chiếc xe được gửi trong nhà để xe tại các chung cư, thì không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế có những chiếc xe bị hư hỏng rất nặng do người sử dụng thiếu kinh nghiệm lái xe trong điều kiện ngập lụt, thậm chí có những chiếc xe bị vỡ vỏ máy, cong tay biên hay hệ thông điện bị chạm cháy…
Đặc biệt, xe đã bị ngập nước đến nắp capo thì có thể xem như... đồ bỏ đi. Nước đã đến nắp capo thì động cơ, hút gió cũng bị ngập. Khi đó, nước lọt vào trong các xy-lanh, thông qua hốc gió, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó, khi xe nổ máy sẽ xảy ra hiện tượng thuỷ kích - piston nén nước lọt vào xy-lanh tạo áp lực phá hỏng động cơ. Ngay cả trong trường hợp nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh trước khi xe nổ máy thì vẫn có nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước một thời gian, lòng xy-lanh có thể đã bị gỉ. Nếu như vậy, động cơ sẽ uống xăng như nước và hoạt động không ổn định. Ngoài phần máy, nước cũng sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của xe.
Các chuyên gia kỹ thuật cho biết, việc xử lý những chiếc xe ngập nước thông thường sẽ không mất nhiều thời gian và chi phí, chủ yếu là thay dầu, tra mỡ, xúc rửa các chi tiết nội - ngoại thất, xử lý ẩm mốc… Còn những chiếc xe bị nước vào động cơ thì dù chủ xe phải chi đến hơn 100 triệu đồng song chắc chắn chất lượng cũng sẽ không được như ban đầu.
Vì thế, các chuyên gia kỹ thuật đã đưa ra một số kinh nghiệm để người tiêu dùng có thể tránh mua phải những chiếc xe có “tiền sử” hư hỏng do ngập nước với mức giá không tương xứng. Cụ thể:
Mùi của xe
Một cách đơn giản và nhanh chóng giúp nhận ra xe đã bị ngâm nước chính là ngửi mùi của xe. Một chiếc xe nếu đã bị ngâm nước thì rất khó để loại bỏ mùi khó chịu do ẩm mốc gây nên. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng bạn hãy ngồi vào trong, đóng kín cửa xe và hít một hơi thật sâu, nếu có mùi ẩm mốc thì khả năng cao là chiếc xe này đã từng bị ngập nước. Bên cạnh đó, nếu người bán xe cố tình mở điều hòa lớn chứng tỏ họ đang cố dùng mùi điều hòa để giấu đi mùi khó chịu trên xe.
Dây an toàn bóc mẽ xe ngập nước hiệu quả
Ngoài mùi xe ra bạn cũng nên kiểm tra độ ẩm ở một số vị trí nhất định trên xe vì nếu một chiếc xe từng bị ngập nước thì nước sẽ đọng lại ở một số nơi mà người bán xe cũng không ngờ đến.
Nếu có thể bạn hãy sờ thử vào thảm xe hoặc lật thảm lên để xem có nước đọng lại ở đó không, rỉ sét cũng là một dấu hiệu chứng tỏ xe đã từng bị ngâm nước. Bên cạnh đó hãy kéo dây an toàn ra hết mức có thể để xem dây có bị ố màu không. đây là một chi tiết mà những showroom xe dễ quên không để ý đến khi tân trang lại cho xe ngập nước.
Bạn cũng nên kiểm tra thảm ở cốp xe, nhấc lốp dự phòng ra và kiểm tra xem có nước, bùn bẩn đọng lại ở đó hay không vì có thể đó là những vị trí mà người tân trang xe bỏ qua khi làm việc.
Dấu hiệu ăn mòn
Ngoài rỉ sét ra thì các dấu vết ăn mòn cũng “tố cáo” rằng chiếc xe đã từng bị ngâm nước. Các dấu hiệu ăn mòn khó có thể che dấu bởi mặc dù đã được “sấy khô” nhưng hiện tượng ăn mòn trên xe vẫn tiếp tục diễn ra.
Vì vậy hãy chú ý quan sát các chi tiết bằng kim loại ở cả trong lẫn ngoài xe như đinh vít, bản lề cửa, lò xo, chốt cốp… Thêm vào đó, hãy kiểm tra dưới gầm xe xem có dấu hiệu bị ăn mòn hay không. Ngoài ra, hãy kiểm tra ở các vị trí gần các chi tiết bằng cao su hoặc crôm. Nếu phát hiện các bong bóng nhỏ thì chứng tỏ chiếc xe đã được sơn lại khá tỉ mỉ nhằm che đi cá vết rỉ sét.
Nội thất
Hãy kiểm tra kỹ trước sau và dưới ghế ngồi để tìm kiếm các vết ố bẩn do ngập nước gây ra. Ngoài ra nếu một chiếc xe cũ lại được phủ thảm mới thì bạn cũng nên cẩn thận bởi có thể chiếc thảm cũ cùng với những vết ố bẩn do nước đã bị thay thế. Một mẹo nữa là chú ý xem màu của ghế ngồi, thảm và trần xe có trùng màu cũng như độ mới không.
Hệ thống điện
Hệ thống điện hư hỏng do ngâm nước có thể sẽ là một mối nguy tiềm ẩn với sự an toàn của hành khách trên xe nên hãy cẩn thân kiểm tra cả các thiết bị điện trên xe.
Đầu tiên hãy lôi đống dây dợ ở dưới bảng điều khiển ra và gập chúng lại, nếu chúng bị giòn và vỡ ra thì chứng tỏ xe đã từng bị ngập nước nặng. Bên cạnh đó, việc lái thử xe cũng cần thiết để phát hiện thêm các dấu hiệu khác.
Khi khởi động máy, hãy chú ý đến khác âm thanh lạ, để ý xem có khói hay mùi lạ khi khởi động xe hay không. Kiểm tra đèn ở bảng điều khiển, đèn chiếu sáng, đèn xi nhan và đèn hazard. Bật điều hòa, thử cần gạt nước xem chúng có hoạt động bình thường không. Cũng nên bật và nghe thử radio trên xe, nếu tiếng bị nhiễu, méo hoặc không có tiếng thì có thể xe đã bị ngâm nước. Thậm chí nếu xe được trang bị một dàn radio mới tinh thì cũng có khả năng chiếc radio hỏng do ngâm nước đã bị thay thế.
Dầu máy
Màu sắc và độ nhớt của dầu máy cũng có thể cho bạn biết quá khứ của chiếc xe. Những chiếc xe từng bị ngâm nước thì dầu máy sẽ có màu cà phê sữa, sữa sô-cô-la hoặc bạc màu. Khi chạm vào dầu máy của xe đã từng bị ngâm nước bạn cũng sẽ thấy nhớp nháp. Ngoài ra hãy kiểm tra các tấm lọc khí, nếu có vết ổ bẩn thì chứng tỏ xe từng bị ngập nước.
Cụm đèn và bảng điều khiển
Cụm đèn là nơi khó có thể xóa đi dấu vết của chiếc xe đã bị ngập nước. Bạn hãy kiểm tra cẩn thận cụm đèn trước và sau xe, nếu đèn bị mờ chứng tỏ chúng đã từng bị vào nước. Bảng điều khiển cũng có dấu hiệu tương tự.
Vết bẩn còn sót lại
Một chiếc xe ngập nước dù đã được tân trang cẩn thận nhưng có thể cỏ và đất cát vẫn còn sót lại ở các vị trí như hộc để đồ, kẽ hở động cơ, cốp xe, dưới lốp dự phòng, dưới bảng điều khiển, dưới ghế ngồi và hệ thống dây điện. Nếu phát hiện thấy cỏ và đất cát ở những vị trí này thì có thể bạn đang ngồi trên một chiếc xe từng bị ngập nước.
Nhờ đến chuyên gia
Mua xe là một khoản đầu tư lớn, vì vậy nếu vẫn không chắc chắn về độ “khô ráo” của chiếc xe cũng như mua phải một chiếc xe tồi khiến bạn tiền mất tật mang thì cách tốt nhất là hãy nhờ đến sự giúp đỡ của một người am hiểu về vấn đề này. Họ sẽ biết rõ các dấu hiệu thể hiện chiếc xe đã từng bị ngâm nước cũng như các nơi cần phải kiểm tra như vô lăng, phanh xe…